Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 12 quy định về việc tiếp công dân, trong đó có nội dung công dân không tự ý ghi âm, ghi hình khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân, là cụ thể hóa Luật tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi, điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 64/ 2014/NĐ-CP quy định một trong những trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập là phải ban hành nội quy quy chế tiếp công dân.
"Việc tiếp công dân là trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, là trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, để giải quyết những việc liên quan đến mối quan hệ hành chính giữa người dân và cơ quan công quyền. Trong quá trình làm việc giữa hai bên, việc người dân ghi âm, ghi hình không chỉ nằm trong các quy định để giải quyết quan hệ hành chính mà còn liên quan đến quan hệ pháp luật thuộc quy định của Bộ luật Dân sự và Hiến pháp điều chỉnh", luật sư Nguyễn Chiến chia sẻ.
"Trong khi đó, Hiến pháp cũng quy định đảm bảo quyền giám sát của người dân nhưng quy định đó không cụ thể về hình thức giám sát. Do đó, việc một công dân vào trụ sở cơ quan công quyền thông báo công khai, minh bạch việc ghi âm, ghi hình của mình thì những cơ quan này cũng không có lý do từ chối , thậm chí phải có biện pháp bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện mục đích giám sát của người dân đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, bảo đảm giải quyết công việc một cách công tâm, đúng pháp luật, không được từ chối, né tránh, hời hợt, hách dịch…
Nếu cán bộ tiếp dân không đồng ý mà không có lý do chính đáng, người dân vẫn có quyền thực hiện việc giám sát, vì họ đã có thông báo. Trong trường hợp này, việc người dân thực hiện quyền giám sát là hoàn toàn đúng đắn. Khi đó, Hiến pháp sẽ được thực thi, pháp luật được tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên", luật sư Nguyễn Chiến thông tin.
Trong khi đó, Luật sư Mai Dung, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Quyết định 12 của UBND thành phố Hà Nội mang nặng tính chất nội quy công sở, áp dụng đối với cán bộ tiếp dân. Nếu áp dụng rộng đối với người dân đến trụ sở hành chính chính công quyền thì chưa hợp lý, nếu đối chiếu theo quy định Luật tiếp công dân. Việc ghi âm, ghi hình liên quan đến quyền giám sát của người dân và luật không cấm.
"Thực tế từ các vụ việc tư vấn pháp lý cho thấy việc ghi âm, ghi hình của người dân phần lớn chỉ xảy ra khi người dân đến làm việc, nhưng cán bộ tiếp dân không tuân thủ đúng quy trình hành chính. Đơn cử như người dân đến xin nộp hồ sơ cấp phép xây dựng và cán bộ tiếp dân yêu cầu bổ sung một số giấy tờ, nhưng không ghi giấy hẹn, không ghi cụ thể giấy tờ phải bổ sung, nên người dân phải ghi âm, ghi hình lại để sau này đối chứng, tránh bị hạch sách, vòi vĩnh”, Luật sư Mai Dung cho biết.
Việc ghi âm, ghi hình là một trong phương thức để thực hiện quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của các cán bộ, viên chức, của cơ quan nhà nước, qua đó để chính những người thi hành công vụ có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong việc phục vụ nhân dân, thể hiện công khai, minh bạch, dân chủ.