Quy hoạch đô thị Hà Nội - Bài 1: Bài học từ thiếu tầm nhìn

“Quy hoạch phải đi trước một bước”, đó là nguyên lý trong phát triển đô thị. Nhưng thực tế, hầu hết các quy hoạch phát triển đô thị ở Hà Nội đều bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện, gây lãng phí tài nguyên đất và nguồn lực của đất nước.

Một góc Khu đô thị mới Linh Đàm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn cộng với yếu tố chủ quan. Câu chuyện về “tuổi thọ” ngắn ngủi của những bản đồ quy hoạch Hà Nội đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều công trình, dự án và được ví như “bước chân hụt” trên con đường đến một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Hầu hết các dự án xây dựng ở Hà Nội từ khi quy hoạch đến thiết kế đều được thực hiện chuẩn "khuôn vàng, thước ngọc" tạo sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, quy mô dân số. Tuy nhiên, đến khi thực thi dự án lại được điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Điều này khiến cho quy mô dân số tăng lên nhiều lần, dẫn đến một khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã gây quá tải về hạ tầng, điện nước và các công trình phúc lợi công cộng.

Đô thị kiểu mẫu thành đô thị… phòng ngủ

Khu đô thị mới Linh Đàm là một ví dụ điển hình với gần 20 năm nhìn lại cho thấy, mô hình phát triển quy hoạch này đã để lại cho xã hội những bài học đắt giá trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

Với diện tích khoảng 200 ha, đây là một trong những khu đô thị mới đầu tiên ở Hà Nội của thời đô thị hoá với gần 50% là mặt nước, có lợi thế nổi trội về cảnh quan đã được quy hoạch khá bài bản. Nhưng sau khi được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009, đáng lẽ là động lực để Linh Đàm tiếp tục vươn lên, khẳng định ‘thương hiệu” thì khu đô thị này dường như lại "đuối sức" bởi những thay đổi về mục đích sử dụng đất và thiếu đầu tư dịch vụ đời sống thiết yếu, đồng thời đối mặt với sự gia tăng dân số vượt nhiều lần so với quy hoạch.

Khu đất ở trung tâm bán đảo dự kiến xây dựng văn phòng đã bị chuyển đổi thành đất ở; trong đó toà nhà VP3 và VP5 với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch) đã phá vỡ cấu trúc không gian khu vực này. Sự “đứt gãy” đột ngột về quy hoạch đã tạo ra hình ảnh lộn xộn, bức bối về thị giác, phá hỏng hoàn toàn ý đồ cảnh quan của khu vực.

Còn khu đất 5 ha của trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa Bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây Nam Linh Đàm và cả khu Nam Linh Đàm trong tương lai đã nhường chỗ cho khu nhà ở giá rẻ gồm 12 toà chung cư cao 36 - 42 tầng có ký hiệu HH với mật độ xây dựng và cư trú cao. Riêng khu nhà ở này sau khi hoàn thiện "nhồi" khoảng 30.000 dân cho khu bán đảo Linh Đàm, hơn gấp đôi so với dân số dự kiến trong quy hoạch ban đầu.

Và thật trớ trêu, 12 toà nhà chung cư này với chiều cao vượt trội, quy mô khổng lồ và vị trí đắc địa, vô hình chung đã trở thành điểm nhấn kiến trúc của toàn khu. Dù vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện nhưng nói tới Linh Đàm người ta nghĩ ngay đến “biểu tượng” là những “lò bát quái” hay “chung cư tổ kiến”, làm lu mờ hồ nước và bán đảo thơ mộng ban đầu.

Vậy là cơ cấu quy hoạch của khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm đã hoàn toàn bị phá vỡ. Khi nhồi chung cư vượt tầng, chủ đầu tư tạo ra cơn sốt chung cư giá rẻ. Thế nên, dân số tại Linh Đàm ở thời điểm hiện tại lên tới trên 70.000 người, gần bằng quy mô dân số của đô thị loại III, trong khi đó diện tích cây xanh giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 4m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chí của đô thị kiểu mẫu.

Đáng ngại hơn, khu đô thị mới này sẽ không còn cơ hội để có một Trung tâm dịch vụ tổng hợp như dự kiến ban đầu mà nó đã bị biến thành một dạng đô thị… phòng ngủ điển hình nhưng quy mô dân số tương đương một thành phố nhỏ.

Từ điểm nhìn định cư con người, Linh Đàm đang trở thành một mô hình định cư lệ thuộc, do ngày càng phụ thuộc bên ngoài, trở nên thiếu nội lực do đánh mất cơ hội tạo không gian chung, các hoạt động dịch vụ và việc làm tại chỗ.

Từ quy mô, lợi thế về quy hoạch và đặc điểm tài nguyên, Linh Đàm hoàn toàn xứng đáng trở thành cực hút kinh tế phía Nam Thủ đô, góp phần giảm tải cho thành phố "mẹ". Nhưng do "bước hụt" đã biến Linh Đàm thành đô thị với nhiều khiếm khuyết, bộc lộ không ít bấp cập, nhất là vấn đề giao thông. Bởi mỗi khi cư dân ở đây khi di chuyển đến một số khu vực khác đều phải thực hiện theo kiểu "con lắc" do tắc đường.

Sức nén chung cư ngày càng gia tăng

Không chỉ tiếc cho Khu đô thị Linh Đàm mà có thể thấy ngay ở những khu vực trung tâm thành phố, quy hoạch trước kia cũng bị phá vỡ khi chính quyền cho phép xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng bị quá tải dẫn đến cống sập, cây xanh bị chặt hạ và các phương tiện giao thông bị “hút” vào.

Điển hình phải kể đến con đường Nguyễn Chí Thanh từng được mệnh danh “kiểu mẫu”, đẹp nhất Thủ đô với các lợi thế về cây xanh, mặt nước, không gian…, bây giờ đã bị “cấy” vào đủ loại công trình đồ sộ khiến con đường này đứng trước nguy cơ “xuống hạng”.

Hay tuyến đường Lê Văn Lương, đoạn giao từ đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám dài 1 km nhưng phải cõng đến gần 40 tòa chung cư cao tầng với mật độ lên đến hàng trăm nghìn người khiến tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô đang hàng ngày phải "oằn mình" chịu cảnh tắc đường thường xuyên.

Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, chỉ riêng tuyến đường Lê Văn Lương thành phố đã cấp phép cho 33 dự án chung cư từ 25 - 35 tầng; trong đó, có 15 dự án chưa được triển khai. Như vậy, nếu nhẩm tính sơ bộ sau khi các tòa nhà được hoàn thiện thì sẽ có khoảng hàng chục nghìn người dân sinh sống.

Hiện nay, sức nén của các khu đô thị lên trục đường Lê Văn Lương vẫn không hề có xu hướng dừng lại mà tiếp tục tăng lên khi hàng chục dự án với quy mô lớn đang đổ dồn về các tuyến đường nhỏ nằm xung quanh trục Lê Văn Lương.

Đơn cử, trong vòng bán kính chưa đầy 500 m tính từ khu tổ hợp Hapulico đã có tới gần 10 dự án lớn nhỏ nằm trên các phố đang xây dựng rầm rộ ngày, đêm như: Ngụy Như Kon Tum, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân…. Mật độ cư dân tăng lên nhanh chóng không chỉ tác động lên hạ tầng giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng điện nước, giáo dục, y tế... của toàn khu vực.

Việc phá vỡ quy hoạch không chỉ bộc lộ những bất cập ở thời điểm hiện tại và trước mắt, sự gia tăng các mô hình định cư kiểu Linh Đàm hay việc nhồi nhét chung cư tại các tuyến đường, khu đô thị khác trên địa bàn Thủ đô chắc chắn sẽ gây ra những hệ luỵ không nhỏ về kinh tế và môi trường mà Hà Nội cần có nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mới giải quyết được.

Bài 2: Hệ lụy được báo trước

Minh Nghĩa – Mạnh Khánh (TTXVN)
Đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40-70 tầng, 'vượt trần' quy hoạch chung
Đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40-70 tầng, 'vượt trần' quy hoạch chung

Nhằm tái thiết lại khu vực ga Hà Nội, trở thành ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế, đồng thời là trung tâm tài chính, kết hợp kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị, thành phố Hà Nội đã có văn bản số 4417, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN