Ra mắt Nghiên cứu cơ sở về kinh doanh và quyền con người

Ngày 28/5, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES Việt Nam), Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) phối hợp tổ chức ra mắt Nghiên cứu cơ sở “Thực thi các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người (UNGP) trong chuỗi cung ứng các ngành may mặc, giày dép và điện tử Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia chủ trì phiên thảo luận với đại biểu và doanh nghiệp tham gia Hội thảo.

Theo ông Axel Blaschke, Trưởng đại diện FES Việt Nam, ngày 16/11/2011, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thống nhất thông qua các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người.

Từ đó, kết thúc những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ về trách nhiệm nhân quyền của doanh nghiệp. UNGP đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên giúp ngăn ngừa và giải quyết nguy cơ những ảnh hưởng bất lợi về nhân quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó mở rộng sự áp dụng trên toàn thế giới nhằm tăng cường tiêu chuẩn, thực tiễn liên quan đến kinh doanh và quyền con người.

Cụ thể, UNGP có 31 nguyên tắc giúp triển khai khuôn khổ của Liên hợp quốc với ba trụ cột, gồm: Nghĩa vụ nhà nước và bảo vệ con người, trách nhiệm của doanh nghiệp về tôn trọng quyền con người, tiếp cận biện pháp khắc phục cho nạn nhân của lạm dụng quyền con người liên quan đến kinh doanh. UNGP đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi cả khu vực công và tư nhân.

Thống kê đến cuối năm 2017, có 21 quốc gia như Anh, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ… xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh doanh và quyền con người. Bên cạnh đó, có 23 quốc gia khác đang trong tiến trình xây dựng kế hoạch này.

Chú thích ảnh
Đại biểu phát biểu ý kiến đánh giá về Nghiên cứu.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á có các nước đang khởi động kế hoạch này là Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Còn trong khối doanh nghiệp, số công ty đa quốc gia trên toàn cầu lồng ghép UNGP vào chính sách về kinh doanh và quyền con người ngày càng gia tăng.

UNGP cũng đang được lồng ghép vào chính sách phát triển bền vững của các công ty có nguồn cung ứng tại Việt Nam nhưng đây vẫn là một khái niệm khá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời vẫn ở cấp độ thông tin trong hội thảo, chính sách.

Thực tế này mở ra cơ hội cho việc sử dụng UNGP làm khuôn khổ rà soát và cải thiện chính sách phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Sean O’Connell, đại diện UNGP Việt Nam cho biết, nghiên cứu cơ sở “Thực thi các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người (UNGP) trong chuỗi cung ứng các ngành may mặc, giày dép và điện tử Việt Nam” đưa ra những đánh giá về thực hiện UNGP trong các chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Nghiên cứu tập trung vào ba ngành xuất khẩu chủ lực để phân tích những tiến bộ và hạn chế trong việc thực hiện UNGP, đặc biệt là trụ cột trách nhiệm của doanh nghiệp về tôn trọng quyền con người tại doanh nghiệp Việt Nam.

Tin, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)
Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam - Bài cuối: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển
Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam - Bài cuối: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển

Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN