Radar tần số cao giữ gìn an ninh biển đảo

Góp phần quan trọng cung cấp thông tin nghiên cứu biển đảo, giúp tìm kiếm cứu nạn trên biển, xác định dầu tràn, cảnh báo sớm sóng thần, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh hải đảo... là những ưu điểm của hệ thống radar biển tần số cao sắp được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào sử dụng.

Tăng năng lực giám sát

Việt Nam có trên 1 triệu km2 mặt nước biển với 3.000 đảo, 28 tỉnh, thành có biển, khoảng 20 kiểu loại hệ sinh thái điển hình, trên 100 điểm khoáng sản đã được phát hiện. Việc tích hợp thông tin về biển, đảo là cần thiết, hỗ trợ giám sát và kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên tại vùng biển. Tuy nhiên, công tác quan trắc tài nguyên và môi trường trên biển hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Hiện mới có các trạm quan trắc đặt ở các vùng ven bờ và đảo mà chưa có hệ thống quan trắc cố định ngoài khơi. Do vậy, các yếu tố hải văn chỉ đo được mực nước, nhiệt độ nước biển tầng mặt tại khu vực, còn để đo những yếu tố cần thiết như sóng, dòng chảy ngoài biển thì cần đưa tàu ra khảo sát, nhưng việc này rất tốn kém và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Ăngten phát của hệ thống radar tại trạm Đồng Hới (Quảng Bình).


Với mục tiêu đầu tư, xây dựng hệ thống radar biển tần số cao để quan trắc các yếu tố hải văn phục vụ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên vùng biển, hải đảo của Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đầu tư hệ thống radar biển giai đoạn 1 gồm 3 trạm

thu/phát tín hiệu và Trạm trung tâm. Hệ thống radar biển sẽ góp phần hoàn thiện thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển; thực trạng và diễn biến ô nhiễm môi trường nước biển, vùng ven bờ và suy giảm đa dạng sinh học để cơ quan quản lý có thể đưa ra các chính sách, biện pháp cần thiết trong việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Ông Trần Hồng Lam, Giám đốc Trung tâm Hải văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị trực tiếp triển khai dự án) khẳng định: “Việc đưa hệ thống radar biển vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng cho việc giám sát trạng thái bề mặt biển, từ đó đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ vùng biển và hải đảo nước ta”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống radar biển hiện đại này có thể dự báo được vết dầu tràn trên biển, từ đó có thể xác định được số dầu đó từ đâu đến. Cùng đó, từ số liệu dòng chảy mà hệ thống radar thu được có thể lập được bản đồ hàng hải để các tàu vận tải trên biển có thể di chuyển theo đường tối ưu. Hệ thống radar còn có thể hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy hải sản, bởi vì từ dòng chảy có thể phân tích, tính toán được dòng nước trôi, chìm ở trên biển, những nơi tập trung đàn cá. Không chỉ có vậy, các trạm radar biển tần số cao có thể dự báo và cảnh báo sóng thần trong vòng 20 - 24 giờ ở khu vực miền Trung, nhất là tại ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

“Đặc biệt, qua hệ thống dòng chảy và sóng mà radar thu được, có thể dự báo được 24 giờ chính xác vị trí tàu trôi dạt trên biển trong vòng 24 giờ. Hiện nay, tàu ngư dân bị chết máy trên biển phải mất 7 - 8 ngày lực lượng chức năng mới tìm thấy. Nhưng nếu có hệ thống radar biển thì có thể biết tọa độ tàu hỏng hóc để dự báo cho các lực lượng cứu hộ cứu nạn, tiết kiệm thời gian tìm kiếm. Radar biển cũng góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, cảnh báo sớm 72 giờ để các chuyến tàu ra khơi hoặc lực lượng làm việc trên biển có thể tránh được, chủ động ứng phó với thời tiết tiêu cực”, ông Lam cho biết.

Sử dụng trước mùa bão 2015

Hiện nay, Trung tâm Hải văn đã hoàn thiện việc xây và lắp đặt thiết bị tại 3 trạm radar biển theo đúng kế hoạch phê duyệt, gồm: Trạm Hòn Dấu (đảo Dấu, thành phố Hải Phòng) trên diện tích 260 m2, với thiết bị tổ hợp radar biển sử dụng năng lượng thấp, có tầm quan trắc 300 km đối với dòng chảy bề mặt, 30 km đối với sóng biển. Trạm radar biển số 2 tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với quy mô diện tích sử dụng là 7.200 m2, hệ thống radar biển có tầm quan trắc 300 km đối với dòng chảy bề mặt và 20 km đối với sóng biển. Trạm radar biển số 3 tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) trên diện tích sử dụng đất 20.000 m2 có tầm quan trắc 300 km đối với dòng chảy bề mặt và 20 km đối với sóng biển; và Trạm điều hành trung tâm tại số 8, Pháo Đài Láng, Hà Nội.

Từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ xây khoảng 19 trạm, trong đó có 18 trạm radar và 1 trạm khu trung tâm tại Hà Nội (hiện nay đã có).

Theo ông Trần Hồng Lam, những số liệu thu thập được từ hệ thống radar đã được qua kiểm nghiệm và thử nghiệm trong 1 năm, được các chuyên gia đánh giá là chính xác và đáng tin cậy. Tuy nhiên, những số liệu tại trạm quan trắc này chưa đưa vào sử dụng vì Đề án Khai thác và sử dụng hệ thống radar biển vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đang trong quá trình nghiệm thu.

“Đầu năm 2015, chúng tôi sẽ đo đạc, kiểm nghiệm tại hai trạm ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó phân tích số liệu, dự kiến trước mùa bão tháng 7/2015 và sẽ công bố số liệu chính xác từ các trạm radar để ứng dụng vào thực tế, phục vụ công tác điều tra tài nguyên biển đảo và an ninh quốc phòng”, ông Lam cho biết.

Những số liệu thu thập được của các radar này sẽ được phối hợp đồng bộ với các trạm quan trắc cố định ven bờ, trạm phao ngoài biển cùng với ảnh thu tín hiệu từ mây vệ tinh (ảnh viễn thám) để đồng bộ hệ thống thông tin về biển, đảo, phục vụ hoạt động của các lực lượng trên biển.

“Để hệ thống radar đi vào hoạt động tốt, cần phải đầu tư công nghệ phân tích dự báo tương thích với xử lý số liệu từ radar biển, số liệu đo đạc trực tiếp và ảnh vệ tinh. Đồng thời đó, cần bổ sung thêm lực lượng cán bộ làm việc tại các radar 24/24. Với những ưu điểm của hệ thống radar này, khi đi vào sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu, khai thác tài nguyên biển cũng như góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Lam cho biết.

Thu Trang
Tuần lễ tôn vinh di sản văn hóa biển đảo
Tuần lễ tôn vinh di sản văn hóa biển đảo

Một không gian văn hóa - du lịch biển đảo sẽ được tái hiện trong lòng Hà Nội, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của biển đảo Việt Nam đến với nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN