'Rửa' cá tầm Trung Quốc thành Việt Nam?

Đầu tháng 6/2013, một chủ trang trại nuôi cá tầm ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hành vi “rửa” cá tầm Trung Quốc của một doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước. Theo đơn tố cáo, doanh nghiệp này đã nhập lậu giống cá tầm và cá tầm thương phẩm từ Trung Quốc về nuôi thả một thời gian ngắn rồi “rửa” thành cá tầm Việt Nam. Kết quả kiểm tra của Tổng cục Thủy sản mới đây cho thấy, vẫn chưa tìm ra bằng chứng về vụ việc trên.

 

Dù chưa tìm ra được bằng chứng, nhưng tình trạng cá tầm nhập lậu lũng đoạn thị trường trong nước là có thật. Theo thống kê, mỗi ngày có từ 15 đến 20 tấn cá tầm nhập lậu vào nội địa. Việc nhập lậu chủ yếu được thực hiện qua một số tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai...

 

Không giấy tờ nhập khẩu, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, loại cá này sinh trưởng rất nhanh so với cá tầm nội địa và đặc biệt, lợi nhuận buôn bán cá tầm nhập lậu cao gần gấp đôi khiến thực trạng buôn lậu ngày càng “nóng”, còn thị trường trong nước thì đang lao đao.


Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước đây trứng và giống cá tầm được nhập khẩu về Việt Nam qua các dự án của các viện nghiên cứu, nên được kiểm soát khá chặt chẽ. Nhưng sau khi đưa vào nuôi trồng đại trà, đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở nuôi trồng trong nước nhập lậu giống cá tầm, đồng thời họ mời các chuyên gia Trung Quốc sang hỗ trợ, hoặc cho thương nhân Trung Quốc "mượn" cơ sở để nuôi. Liệu đây có là kẽ hở để các cơ sở nuôi cá tầm trong nước trở thành trạm trung chuyển, đưa cá tầm nhập lậu vào nội địa tiêu thụ?


Sự thật thế nào, có lẽ phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng qua vụ việc trên lại thêm một lần khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng là sự cảnh báo cần phải siết lại công tác quản lý đối với một loại thủy sản đang phát triển khá mạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.


Theo Hội Nghề cá Việt Nam, việc nhập lậu cá tầm không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng (vì cá không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch...), mà còn có thể phá vỡ ngành nuôi cá nước lạnh của nước ta. Chính vì vậy, mầm mống của tình trạng “rửa” cá tầm cần sớm được làm sáng tỏ, ngăn chặn kịp thời những “đường mòn” nhập lậu cá.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN