“Rừng cây Bác Hồ” trong lòng người Quảng Nam

Khu rừng đặc biệt mang tên “Rừng cây Bác Hồ” tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) không chỉ là căn cứ cách mạng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà còn là nơi gửi gắm tình cảm của người dân xứ Quảng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.


 

Ghi dấu lịch sử


"Rừng cây Bác Hồ" nằm cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 5 km về phía đông, có diện tích 3,4 ha. Dẫn chúng tôi tới thăm những cây cóc, cây trâm, cây rõi cổ thụ có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm trong "Rừng cây Bác Hồ", ông Trương Văn Quế, 87 tuổi, một lão thành cách mạng tại địa phương cho biết: Khu rừng này trước đây có tên là rừng Miếu, một khu rừng nguyên sinh. Ngày 19/5/1949, một cuộc mít tinh trọng thể đã được tổ chức tại đây với hơn 1.000 người tham dự, nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác. Tại cuộc mít tinh này, Ủy ban hành chính kháng chiến và Mặt trận Việt Minh xã Tam Thanh (trước đây, khu rừng thuộc địa giới hành chính xã Tam Thanh) đã quyết định đổi tên khu rừng thành “Rừng cây mang tên Bác”, hay còn gọi là “Rừng cây Bác Hồ”, để thể hiện tình cảm của người dân xứ Quảng đối với Bác Hồ kính yêu.

 

"Rừng cây Bác Hồ" tại Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Văn Trưởng - TTXVN


Ngày 16/7/1955, cán bộ cách mạng nằm vùng tại Quảng Nam đã bí mật vận động, tập hợp hàng trăm người dân địa phương tới “Rừng cây Bác Hồ”, cùng nhau ký kiến nghị gửi tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa với nội dung đòi thực thi Hiệp định Giơnevơ, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Sau đó, khu rừng được chọn làm nơi liên lạc, che giấu cán bộ cách mạng, tập hợp quần chúng nhân dân. Ngày 13/12/1966, các đơn vị bộ đội địa phương đã chọn “Rừng cây Bác Hồ” là nơi hội quân để bất ngờ tấn công tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3 (thuộc Trung đoàn 6, Sư đoàn 2 của ngụy quân) đóng tại đồn núi Cấm (thành phố Tam Kỳ) làm cho quân địch hoang mang, khiếp sợ. Tiếp đó, nhiều đợt tấn công của lực lượng cách mạng địa phương dựa vào địa hình hiểm trở của "Rừng cây Bác Hồ" đã làm cho địch bị nhiều tổn thất to lớn. Vào ngày 25/3/1975, cũng tại nơi đây đã diễn ra một cuộc mít tinh quy mô lớn với sự tham dự của hàng ngàn người dân để mừng quê hương hoàn toàn giải phóng.


Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Văn Quế dường như được sống lại không khí hào hùng của những thời khắc lịch sử đã trải qua tại “Rừng cây Bác Hồ”. Mặc dù hiện đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Trương Văn Quế vẫn nhớ chính xác từng vị trí, dấu tích của những căn hầm bí mật, vị trí nơi kết nạp đảng viên trong khu rừng dựa vào những cây cổ thụ vẫn xanh tươi mặc cho thời gian, mưa gió và sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh…


“Kho báu” của cộng đồng


Đối với người dân nơi đây, "Rừng cây Bác Hồ" giống như “một kho báu” chung của cộng đồng, được bảo vệ, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Anh Ngô Văn Lạc, một người dân sống gần khu rừng, cho biết: "Người dân nơi đây ai cũng tự hào vì quê hương mình có một khu rừng vinh dự mang tên Bác Hồ. Cứ vào dịp Tết trồng cây hàng năm, từ người già cho đến trẻ nhỏ lại nô nức tới trồng cây tại khu rừng này và thường xuyên chăm sóc, như một cách để thể hiện tình cảm của người dân đối với Bác, cũng như đối với thế hệ cha ông đã hy sinh cho sự nghiệp thống nhất đất nước”.


"Rừng cây Bác Hồ" còn là “một địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm, cứ vào dịp sinh nhật Bác hay ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các trường học trên địa bàn phường An Phú, thành phố Tam Kỳ lại tổ chức đại hội cháu ngoan Bác Hồ, tuyên dương những học sinh có thành tích học tập xuất sắc và tổ chức thi cắm trại. Em Doãn Thị Kim Mãi, học sinh lớp 8/1, Trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến cho biết: “Mỗi dịp được sinh hoạt ngoại khóa dưới những tán cây cổ thụ ở "Rừng cây Bác Hồ", được nghe những câu chuyện của các cụ cao niên ở đây, chúng em lại thấy tự hào hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mình”.


Năm 2011, "Rừng cây Bác Hồ" được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích này đang được chính quyền cơ sở cũng như tỉnh Quảng Nam rất quan tâm. Ông Trương Thanh Khôi, Phó Chủ tịch phường An Phú, thành phố Tam Kỳ cho biết: Địa phương đang tham mưu cho thành phố và tỉnh về quy hoạch tổng thể khu di tích với việc xây dựng nhà lưu niệm, phục dựng lại các điểm từng là nơi kết nạp đảng viên, nơi tổ chức mít tinh, một số căn hầm bí mật, việc trồng thêm các loại cây… để phục vụ tốt hơn người dân và du khách đến tham quan Khu di tích.


Đỗ Trưởng

Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam”
Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam”

Ngày 16/5, tại Công viên Lam Sơn (quận 1, TP Hồ Chí Minh), Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khai mạc triển lãm chào mừng kỉ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014) .

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN