Rừng giàu Kbang liên tục 'chảy máu'

Kbang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 120.000 ha.

Đặc biệt, với sự góp mặt của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang được xem là vùng trọng điểm về trữ lượng cũng như chủng loại gỗ rừng quý hiếm. Điều này khiến rừng Kbang lâu nay trở thành mục tiêu của các đối tượng “lâm tặc”. 

Chú thích ảnh
Những cây gỗ bị cưa hạ tại hiện trường.

Điển hình chỉ trong vòng nửa cuối tháng 6/2021, trên địa bàn huyện Kbang đã liên tiếp xảy ra các vụ khai thác gỗ rừng trái phép nghiêm trọng. Theo đó, báo cáo 248/BC-UBND ngày 28/6 của UBND huyện Kbang xác nhận, từ tin báo của nhân dân, ngày 23/6, lực lượng Kiểm lâm huyện Kbang phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Gia Lai) và chủ rừng kiểm tra khoảnh 3, Tiểu khu 25 (lâm phần Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Lâm nghiệp Đăk Rong quản lý) đã phát hiện 11 cây gỗ Dổi, Thông nàng và Sp5 bị khai thác trái phép.
 
Ngay sau đó, cũng tại khu vực này, trong 2 ngày 26 và 27/6, lực lượng Kiểm lâm huyện Kbang tiếp tục phối hợp cùng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng chống cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai) và chủ rừng phát hiện thêm 14 cây gỗ Dổi, Hồng tùng, Re gừng và Xoay bị cưa hạ. Như vậy, qua 2 đợt kiểm tra, khối lượng gỗ rừng bị tàn phá ở khu vực này lên đến hơn 50 m3. Ghi nhận tại hiện trường, hàng chục cây gỗ Dổi và Thông nàng đường kính trên dưới 1 m bị cưa hạ nằm rải rác. Những cây gỗ được xẻ tại chỗ và đã được lâm tặc tẩu tán, giờ chỉ còn trơ trọi gốc, ván bìa và cành ngọn. Đáng quan tâm, những dấu vết còn sót lại của khu rừng này cho thấy, rừng ở đây bị khai thác trái phép kéo dài đã nhiều năm.

Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Minh Sự, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Lâm nghiệp Đăk Rong lý giải, thực tế một số đối tượng đã lợi dụng nhu cầu làm nhà ở và nhà rông trên địa bàn để khai thác, mua bán gỗ rừng. Qua tìm hiểu tại cơ sở, việc người dân phá rừng lấy gỗ làm nhà phát sinh nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2013-2018. 

Chú thích ảnh
Những cây gỗ bị cưa hạ tại hiện trường. 

Không chỉ rừng liên tục bị xâm hại nghiêm trọng mà việc vận chuyển và hợp thức hóa gỗ rừng khai thác trái phép trên địa bàn huyện Kbang cũng diễn ra rất ngang nhiên. Cụ thể, vào tối 20/6, qua tuần tra khu vực địa giới xã Đăk Smar, lực lượng chức năng của huyện Kbang đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 81C-177.40 do ông Nguyễn Đình Sang trú tại thị trấn Kbang, huyện Kbang đang vận chuyển 15 lóng, hộp gỗ Dổi tròn và xẻ, khối lượng hơn 21 m3 nhưng không xuất trình được giấy tờ.

Sau đó, ông Hồ Ngọc Dao chủ Doanh nghiệp tư nhân Giao Trang có địa chỉ tại thị trấn Kbang xuất trình một bộ hồ sơ thể hiện số gỗ này được mua từ một doanh nghiệp ở huyện Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng từ tháng 2/2015. Tuy nhiên, qua kiểm tra, ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang khẳng định, hồ sơ và gỗ không liên quan tới nhau, gỗ trên xe là gỗ khai thác. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp với các lực lượng chức năng để điều tra, làm rõ vụ việc.

"Kbang là địa phương có diện tích rừng rất lớn với trữ lượng gỗ cao nên là miếng mồi béo bở thu hút lâm tặc. Hiện trường rừng này, tôi đánh giá bước đầu đã có sự khai thác trong nhiều năm. Gỗ bị khai thác nhiều loại để phục vụ làm nhà cũng như hoạt động thương mại. Do đó, Hạt kiểm lâm Kbang phối hợp tích cực với cơ quan cảnh sát điều tra, chủ rừng, chính quyền địa phương kiên quyết làm rõ các đối tượng khai thác, buôn bán trái phép, xử lý đúng pháp luật”- ông Hà chia sẻ thêm.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện và xử lý 45 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ hơn 160 m3 gỗ. Các chủ rừng được điểm tên vì để xảy ra nhiều vụ phá rừng như: Công ty lâm nghiệp Krông Pa, Công ty lâm nghiệp Lơ Ku, Công ty lâm nghiệp KaNak, Công ty lâm nghiệp Đăk Roong và Khu bảo tồn Kon Chư Răng.

Chú thích ảnh
Xe tang vật chở hơn 21 m3 gỗ Dổi bị tạm giữ. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Kbang khẳng định, địa bàn là điểm nóng của nạn khai thác lâm sản trái phép. Liên quan đến ý kiến cho rằng, rừng bị xâm phạm ngày càng nghiêm trọng là do có sự tiếp tay của các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho rằng, chưa kết luận được có sự tiếp tay của cán bộ với lâm tặc hay không, nhưng ở đây khẳng định là có dấu hiệu buông lỏng quản lý lâm sản ở địa phương. Lãnh đạo huyện kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ và lâm tặc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản và yêu cầu cơ quan điều tra kịp thời khởi tố những vụ án được chuyển sang cơ quan điều tra.

Mặc dù, tỉnh Gia Lai đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp giữ rừng, song rừng vẫn liên tục bị tàn phá. Điều đáng nói, các vụ việc chỉ được lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện khi cây rừng đã bị cưa hạ và gỗ được tẩu tán, đã lý giải nguyên nhân vì sao câu chuyện mất rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa có hồi kết.

Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Vụ phá rừng tại huyện KBang, Gia Lai: Thêm 2 đối tượng ra đầu thú
Vụ phá rừng tại huyện KBang, Gia Lai: Thêm 2 đối tượng ra đầu thú

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện KBang, Sang và Chiến khai nhận đã cùng một số thanh niên trong làng đưa công cụ, phương tiện cưa hạ 10 cây gỗ Bằng lăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN