Cần giải pháp tổng thể
Tiếp xúc với nhiều công nhân cho thấy, đa số lao động rút bảo hiểm xã hội là do gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, không thể xoay xở được nữa. Những người muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu từ 20-39 tuổi, trong đó nhiều nhất là từ 25-29 tuổi (chiếm 27,6%). Số người có trên 10 năm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng.
Nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng này đang đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Bởi khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người lao động cũng như với gia đình họ và xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2021, có tới hơn 960 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần. Con số này của năm 2022 là hơn 895 nghìn người.
Tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, hầu hết người lao động biết thiệt thòi nhưng vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần là vì lý do kinh tế, khó khăn bức bách. Họ rất cần những khoản tiền 5-10 triệu đồng, hoặc vài chục triệu đồng để trả các khoản vay "nóng" lãi suất cao, chi khám, chữa bệnh cho con cái, người thân, thậm chí là để lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, trả tiền thuê nhà...
Bên cạnh những người có lý do chính đáng, cũng có số lượng ít người lao động chưa thực sự nhận thức hết lợi ích của việc giữ lại bảo hiểm xã hội; một bộ phận lại nghe theo xúi giục, lo lắng chính sách sẽ thay đổi gây khó rút hoặc bị thiệt thòi hơn nên nhanh chóng tìm cách rút bảo hiểm xã hội một lần… Một trong những nguyên nhân khách quan khác dẫn đến tình trạng này là do việc thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của người lao động.
Tiến sỹ Vũ Minh Tiến khẳng định, tình trạng này gây ra rất nhiều hệ lụy, cả trước mắt và lâu dài, với người lao động và gia đình họ, cũng như hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, người lao động là thiệt thòi nhất, đặc biệt là những lao động nghèo càng trở nên khốn khó hơn khi ốm đau, khi về già: không tích lũy, không lương hưu, không bảo hiểm y tế, thiếu chỗ dựa, tạo gánh nặng cho người thân và xã hội…
Để người lao động không phải rút bảo hiểm xã hội một lần, theo ông Vũ Minh Tiến, điều quan trọng nhất là người lao động khi làm việc, lương phải đủ sống và có tích lũy để dành cho rủi ro ốm đau, bệnh tật, giảm hoặc mất việc làm.
Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền về tác dụng của hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước nói chung, các chế độ bảo hiểm xã hội nói riêng, cũng như những thiệt thòi lâu dài cho bản thân người lao động, gia đình và cả xã hội nếu thiếu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn đưa ra giải pháp, các Ngân hàng có thể liên kết với cơ quan giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần để có hình thức cấp tín dụng cho người lao động vay, với lãi suất phù hợp, ứng với số tiền dự định rút bảo hiểm xã hội một lần, trong một thời hạn nhất định và có thể gia hạn theo quy định của ngân hàng. Khoản tiền rút bảo hiểm xã hội một lần chính là tài sản thế chấp. Đây là cách sẽ được nhiều người lao động lựa chọn để vừa giải quyết được vấn đề "kinh tế" trước mắt, vừa kéo dài cơ hội để người lao động tham gia nối tiếp trở lại bảo hiểm xã hội.
Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, việc nghiên cứu sửa đổi quy định về nhận bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng đến mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân là rất cần thiết. Theo đại biểu, cần sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt, nhằm giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, tăng sức hấp dẫn và liên kết giữa các chế độ bảo hiểm xã hội...
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, một trong những việc quan trọng hiện nay là phải khẩn trương trình Quốc hội ban hành dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Việc làm, để quản lý tốt hơn tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Một trong những giải pháp hữu hiệu là cần rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm, thay vì phải đóng như hiện nay.
Việc hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho tương lai của người lao động là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa được quyền lợi trước mắt cũng như mục đích an sinh lâu dài cho người lao động là điều rất khó trong điều kiện hiện tại, khi những ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 vẫn đang tồn tại. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thay đổi quy định, rất cần đảm bảo hài hòa mối quan hệ lao động, đem đến việc làm ổn định, thu nhập tương xứng cùng chế độ an sinh phong phú sẽ tạo động lực để người lao động gắn bó.
Sửa luật để ngăn chặn trào lưu rút bảo hiểm xã hội một lần
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, dự thảo Luật đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Theo đó, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội. Người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đối với quy định về bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo xin ý kiến với hai phương án. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 2 quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình, song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Với phương án này, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
"Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần", ông Nguyễn Duy Cường nói.
Theo ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.
"Năm 2022, có hơn 895.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong bối cảnh đó, phương án người lao động được rút 50% thời gian đóng và bảo lưu 50% còn lại để hưởng chế độ sẽ hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài cho người lao động", ông Lê Hùng Sơn nhận định.
Trước "làn sóng" rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh: Người lao động cần hiểu rằng, cùng với việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội như tham gia tiếp để nhận lương hưu, hoặc nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng sớm hơn thay vì chờ đến 80 tuổi.
Cũng đồng tình rút bảo hiểm xã hội một lần là lợi trước mắt hay lâu dài, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh: Với những chính sách được đề xuất bổ sung, sửa đổi trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới sẽ mở ra rất nhiều lựa chọn cho người lao động với độ mở cao. Chẳng hạn, theo phương án 2 mà dự thảo luật đề xuất, vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình, nhưng vẫn được bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi tìm được công việc ở đơn vị mới và được "cộng nối" để hưởng chế độ khi đủ tuổi hưu.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, quy định sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội mới có thể rút bảo hiểm xã hội một lần cần được cân nhắc lại. Cơ quan soạn thảo có thể cân đối khoảng thời gian quy định để rút bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 3 tháng sau khi người lao động mất việc thì có thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó vẫn không có việc làm, nguồn tiền nào khác thì có thể rút bảo hiểm xã hội một lần để kịp thời giải quyết khó khăn. Đây cũng là khoảng thời gian đủ để người lao động cân nhắc quyền lợi thiệt hơn về lâu dài, còn nếu tiếp tục có việc làm thì không ai rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ chỉ rút nếu thật sự gặp khó khăn.
"Khi thiết kế chính sách mới này, Ban soạn thảo đã phải cân nhắc giữa những lợi ích trước mắt là giải quyết khó khăn của người lao động và lợi ích lâu dài là đảm bảo lương hưu, trợ cấp xã hội cho người dân khi hết tuổi lao động. Hy vọng những chính sách mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sẽ ngăn chặn được trào lưu rút bảo hiểm xã hội một lần", ông Lê Đình Quảng cho hay.