Ông Trần Văn Vinh - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Bình Định cho biết: Sà lan này được Công ty cổ phần Pusco hợp đồng thuê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải (địa chỉ tại số 27 đường Lê Phụng Hiểu, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) để thi công đóng cọc bê tông công trình nâng cấp, mở rộng Cảng cá Đề Gi.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải đã làm thủ tục với Đồn Biên phòng 316 cho phép cập cảng để thực hiện thi công công trình trong thời gian 75 ngày (từ ngày 15/5 đến 1/8/2015) và đến ngày 2/8/2015 Công ty cổ phần Pusco đã thanh lý hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải.
Tuy nhiên, sau khi thi công xong, sà lan này đã trôi dạt vào cảng. Công cổ phần Pusco đã có công văn đề nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải di dời sà lan ra khỏi khu vực cảng Đề Gi nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải từ chối.
Vì vậy, ngày 5/11/2015, Ban Quản lý dự án phát triển nguồn lợi ven biển tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải đề nghị phải di dời sà lan ra khỏi khu vực cảng để tạo điều kiện cho tàu cá vào cầu cảng và khu xử lý phân loại cá, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho ngư dân địa phương; nếu để lâu sẽ gây ảnh hưởng đến khu vực bờ kè, cầu cảng, nhất là vào mùa mưa bão. Nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hải đã đổ trách nhiệm cho Công ty cổ phần Pusco.
Việc chậm di dời sà lan khỏi khu vực cảng Đề Gi đã gây bức xúc cho người dân địa phương đang kinh doanh buôn bán tại đây. Bà Bùi Thị Kim Cúc kinh doanh tại cảng bức xúc cho hay: Sà lan trôi dạt vào cảng đã gây khó khăn lớn cho tàu, thuyền và hoạt động mua bán hải sản tại cảng.
Ông Phạm Văn Kiên, Bí thư Chi bộ thôn An Quang Đông cho rằng, cảng cá Đề Gi mới được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra, vào cập cảng an toàn; đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh cho ngư dân.
Tuy nhiên, thời gian chưa được bao lâu, sà lan thi công xong không chịu di dời, sóng biển đánh trôi dạt vào cảng và chiếm một phần phía Đông Nam khu vực cảng cá Đề Gi. Người dân rất bức xúc và kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp kiên quyết để đưa sà lan ra khỏi cảng.
Trước thái độ thiếu trách nhiệm của đơn vị thi công, để đảm bảo an toàn và phát huy tốt hiệu quả hoạt động của cảng sau đầu tư, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thông báo lại cho đơn vị chủ sở hữu sà lan phải khẩn trương trục vớt ra khỏi cảng.
Nếu không thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử lý sà lan vô chủ và chỉ đạo ngành chức năng thuê phương tiện trục vớt để giải phóng cảng Đề Gi trong tháng 5/2016. Đơn vị chủ sở hữu sà lan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm kinh phí thuê phương tiện, nhân công trục vớt.