Ngày 12/12, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động năm 2011 và phát động tuyên truyền năm 2012 về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Hội thảo lần này là hoạt động thiết thực của Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, Bộ GD và Đào tạo, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ nhằm nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, góp phần giảm thiệt hại do tai nạn giao thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết, tai nạn giao thông là vấn đề xã hội bức xúc, đang được Đảng, Chính phủ và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tai nạn giao thông gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân, để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội; trong đó, nguyên nhân trẻ em do không được người lớn cho đội mũ bảo hiểm khi chở trên mô tô, xe gắn máy xẩy ra va chạm giao thông bị chấn thương, dẫn đến tử vong hiện chiếm một phần không nhỏ. “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của người lớn, của các tổ chức chính trị xã hội và của toàn quốc gia”, ông Hùng khẳng định.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và chế tài xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy đang còn có những bất cập.
Không đội mũ bảo hiểm - Nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Việt Nam trong năm 2011, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm rất thấp. Ở một số địa phương tỷ lệ này chỉ đạt ở mức 16%.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 26% các bậc phụ huynh cho rằng, mũ bảo hiểm trẻ em gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cho các bé, chẳng hạn như tổn thương cột sống. Ngoài ra, một số lý do khác để không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là bất tiện, mũ bảo hiểm đắt tiền...
Tại hội thảo bà Lotte Sylwander, đại diện cho tổ chức Unicef đề nghị cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền cũng như tăng cường xử phạt, bởi đây là hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tăng cao hơn.
Đại diện AIP, bà Lotee Brundum cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, trẻ em cũng cần được bảo vệ bằng việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, bởi tổn thương với trẻ em sẽ nặng nề hơn, nếu không may xảy ra tai nạn. Theo bà, không có giới hạn độ tuổi tối thiểu đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em, những sai lầm lệch lạc do đội mũ bảo hiểm dẫn đến vẹo cột sống cổ ở trẻ em cần được xóa bỏ.
Uông Lam