Sản phẩm làng nghề thu hút khách tham quan tại Festival thanh niên nông thôn Thủ đô

Trong 2 ngày 24- 25/3, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức Festival thanh niên nông thôn Thủ đô lần thứ hai. Festival là một chuỗi gồm nhiều hoạt động. Triển lãm “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới” với gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của thanh niên làng nghề truyền thống. Hội thi “Xây dựng nông thôn mới- Trách nhiệm của thanh niên” nơi các cơ sở đoàn trực thuộc thành phố thể hiện hiểu biết và vai trò của thanh niên trong tham gia xây dựng nông thôn mới tại từng địa phương; Trình diễn “bàn tay vàng thanh niên các làng nghề thủ công truyền thống”; tọa đàm với chủ đề “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay”; tuyên dương 140 bí thư chi đoàn giỏi Thủ đô, 20 mô hình phát triển kinh tế nông thôn tiêu biểu và 55 gương thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi...

Festival lần này với phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả” đã thể hiện tính truyền thống, trách nhiệm, tinh thần xung kích của tuổi trẻ Thủ đô trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Hoạt động chào mừng kỷ niệm 81 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tiến tới Đại hội Đoàn Thành phố lần thứ 14.

Sau đây là một số hình ảnh tại triển lãm “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới”:

Mặt hàng gỗ mỹ nghệ của thanh niên làng nghề Liên Hà (huỵên Đông Anh) được nhiều khách du lịch quốc tế quan tâm, tìm hiểu.


Thanh niên nông thôn huyện Từ Liêm góp mặt tại Triển lãm với nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương. Trong ảnh: Gian hàng bưởi Diễn,…


Và hoa làng Tây Tựu


Hàng nội thất nhựa giả mây của đoàn viên Dương Văn Hải (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai) cũng thu hút khách tham quan. Trong hai ngày triển lãm, cơ sở này ký được hợp đồng trị giá 80 triệu đồng.




Thanh niên huyện đoàn Phúc Thọ mang sản phẩm rau sạch (cà chua, rau muống tiến vua) tới triển lãm. Rau muống nhanh chóng bán hết ngay trong ngày đầu tiên. Cà chua cũng đắt hàng không kém. Trong ảnh: Bà Dương Thị The (nhà ở 204 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm) hào hứng nhặt những trái cà chua được giới thiệu là “không phun thuốc trừ sâu, có thể để dành trong nửa tháng”.


Sản phẩm lồng chim của cơ sở sản xuất lồng chim Hưởng Sang (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) góp mặt làm phong phú thêm cho triển lãm. Chủ cơ sở này là Bùi Văn Sang, sinh năm 1983, là một trong 55 gương thanh niên nông thôn lam kinh tế giỏi được tuyên dương trong Festival. Tổng doanh thu 1 tỷ đồng/1 năm; Lợi nhuận: 200 triệu đồng/1 năm, cơ sở này giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động, thời vụ 22 người. Thu nhập của lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng


Sản phẩm giày dép da của làng nghề huyện Phú Xuyên đặc biệt thu hút khách du lịch là người nước ngoài. Cơ sở sản xuất giày dép da Việt Anh (Xã Phú Túc- huyện Phú Xuyên) thành lập năm 2009 của anh Nguyễn Thanh Nhàn là một trong 20 mô hình được biểu dương trong Festival lần này. Xưởng có diện tích 2500m2. Tổng doanh thu: 10 tỷ đồng/1 năm. Lợi nhuận: 1 tỷ đồng/1 năm. Giải quyết việc làm ổn định cho 25 lao động, 10 lao động thời vụ. Thu nhập của lao động: 3,5 triệu đồng/người/tháng.


 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN