4 đội phản ứng nhanh đã được thành lập ngày 5/6, các bệnh viện trọng điểm và vệ tinh của Hà Nội đều đã sẵn sàng trở thành “căn cứ” khi xảy ra dịch. Ngành y tế thực sự đã vào cuộc mạnh mẽ với dịch bệnh MERS - CoV.
Huy động những “đầu não” của ngành
Ngành y tế thành lập 4 đội phản ứng nhanh phòng, chống lây nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virút corona (MERS - CoV), do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long ký ngày 5/6, đội trưởng của các đội phản ứng nhanh này đều là những cán bộ đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch. Tại khu vực miền Bắc là ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; khu vực miền Nam là ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; khu vực miền Trung là ông Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang; tại khu vực Tây Nguyên là ông Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Mỗi đội có từ 8 - 14 thành viên.
Hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh đến Việt thực hiện kê khai tờ khai y tế. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Những đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS - CoV có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch bệnh MERS - CoV trên địa bàn phụ trách; sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh MERS - CoV xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS - CoV khu vực miền Bắc, ngoài trách nhiệm phụ trách địa bàn khu vực miền Bắc, còn có trách nhiệm đáp ứng, hỗ trợ các khu vực khác trên phạm vi toàn quốc khi có yêu cầu, hoặc tình hình dịch bệnh MERS - CoV có diễn biến phức tạp.
Theo đại diện Bộ Y tế, để chuẩn bị ứng phó với dịch, ngày 8/6 này, Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virút corona. Hội nghị có sự tham của lãnh đạo các vụ, cục, các bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh, bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế huyện...
Hà Nội đã sẵn sàng
Trong hai ngày 4 - 5/6, Sở Y tế Hà Nội đã gấp rút tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế về công tác chẩn đoán và điều trị bệnh MERS - CoV; đồng thời tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thu dung, điều trị bệnh nhân.
Hiện nay, ngành y tế đã chuẩn bị 3.000 lít hóa chất, 10 tấn chloramin B, 104 máy phun chuyên dụng, 200 bộ bảo hộ an toàn sinh học cho công tác phòng dịch. Tại các bệnh viện đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để chủ động tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS - CoV. |
Theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, trong trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ nhiễm MERS - CoV đầu tiên, sẽ chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi dịch bệnh lan rộng, các bệnh viện hạng một của thành phố sẽ tổ chức tiếp nhận và điều trị.
Đến ngày 5/6, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng các hoạt động ứng phó với bệnh dịch MERS - CoV. Sáng 5/6, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã triển khai chạy thử hệ thống cách ly, đồng thời tổ chức tập huấn về phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh cho cán bộ, nhân viên của khoa. Lãnh đạo bệnh viện cũng đang trình Bộ Y tế xin bổ sung thêm cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Hóa chất khử khuẩn, hệ thống tim phổi nhân tạo...
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Nếu có trường hợp mắc bệnh, khoa Cấp cứu sẽ là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân và phân loại, điều trị, vì thế chúng tôi đã phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng các phương án đối phó. Hiện nay chúng tôi đã tổ chức được 3 tổ cấp cứu sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào có dịch, hoặc có trường hợp nghi nhiễm MERS - CoV. Tại khoa cũng đã sẵn sàng 4 buồng cách ly. Nếu có dịch và số lượng bệnh nhân nhiều hơn, chúng tôi sẽ bố trí thêm buồng cách ly, thậm chí sẽ sử dụng đến các bệnh viện vệ tinh trong trường hợp cần thiết”.
Hiện tại, các bệnh viện “vệ tinh” như Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông cũng đã có phương án chủ động cho công tác cách ly, điều trị cho bệnh nhân theo từng tình huống dịch cụ thể. Toàn bộ tầng 3 của khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đống Đa đến ngày 5/6 đã được bố trí làm khu vực cách ly. Nguồn nhân lực, thuốc, dịch truyền, phương tiện y tế cần thiết để tiếp nhận, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS - CoV đều đã sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã xây dựng quy trình tiếp nhận, cách ly và điều trị; đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế và người dân đến khám chữa bệnh. Các cán bộ y tế của bệnh viện thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh MERS - CoV trên thế giới để tuyên truyền cho người bệnh và tham gia lớp tập huấn công tác chẩn đoán, điều trị cho cán bộ y tế khoa truyền nhiễm, kiểm soát dịch bệnh; cử cán bộ hỗ trợ, kiểm tra, giám sát tại khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Bắc Thăng Long để đảm bảo đơn vị này đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân được chuyển từ sân bay Nội Bài về.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay, số người mắc MERS - CoV tại 26 quốc gia trên thế giới là 1.184; trong đó có 442 trường hợp tử vong. Riêng tại Hàn Quốc đã có 35 trường hợp nhiễm Mers - CoV, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Mặc dù chưa ghi nhận có trường hợp nhiễm MERS - CoV tại Việt Nam, song theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, ngành y tế yêu cầu các cán bộ y tế thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên ngành để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, tập trung điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh MERS - CoV.
Sở Y tế Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác tổ chức phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị trong ngành; kiểm tra việc giám sát thân nhiệt hành khách và áp dụng tờ khai y tế đến từ vùng có dịch, đặc biệt là Hàn Quốc tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức điều trị khi có bệnh nhân nhiễm MERS - CoV tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, đơn vị đầu ngành truyền nhiễm của thành phố. |