Thờ ơ với PCCC
Chỉ riêng ngày 14/3 vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp hai vụ cháy nhà dân tại quận Bình Tân và quận 4. Vụ cháy tại 203 A chung cư Tôn Thất Thuyết, quận 4, nguyên nhân ban đầu được xác định là do chủ nhà đốt đèn thờ cúng. Mặc dù vụ cháy này không gây thiệt hại về người, nhưng cũng là một lời cảnh báo người dân cần cẩn trọng trong việc thắp nhang, đèn thờ cúng tại khu dân cư.
Kiểm tra phương tiện PCCC tại chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
Theo thống kê, toàn TP Hồ Chí Minh có hơn 1.000 tòa nhà cao từ 5 tầng trở lên, hơn 335 tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên. Ngoài ra còn hàng trăm nhà chung cư lớn, nhỏ được xây dựng trước năm 1975. Hầu như công trình nào cũng có vi phạm về an toàn PCCC, với những lỗi vi phạm phổ biến như không thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, không có bể dự trữ nước cho chữa cháy, hoặc có nhưng chung với bể nước sinh hoạt và không đủ dung tích dự trữ như quy định; không trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, cứu hộ cần thiết hoặc có trang bị nhưng các thiết bị PCCC đã hết hạn sử dụng; chỉ có một buồng thang thoát nạn nhưng không bảo đảm yêu cầu chống cháy, chống khói...
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ chí Minh, cho biết: Chung cư cao tầng là công trình có mật độ tập trung người cao, khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, công tác PCCC tại các nhà cao tầng luôn được coi trọng và tuyên truyền đến các chủ đầu tư, người dân sinh sống, làm việc tại đây. Mục đích là nâng cao ý thức phòng cháy, cũng như khả năng xử lý tình huống nếu vụ cháy không may xảy ra. Đối với các nhà cao tầng, đơn vị luôn kiểm tra nghiêm ngặt các hệ thống báo cháy, phương tiện PCCC tại chỗ, hệ thống cấp nước vách tường, nguồn nước dự trữ... Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn tới 56% các chung cư thiếu phương tiện chữa cháy tại chỗ, 40% chung cư có hệ thống chống sét bảo vệ không đảm bảo quy định, không có vách ngăn cháy lan.
Còn tại Thủ đô Hà Nội, toàn thành phố có gần 900 công trình nhà cao tầng, trong số 779 công trình đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC, 121 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC... Qua kiểm tra thực tế, nhiều chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà vẫn thờ ơ với công tác PCCC. Để tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư đã “tiết kiệm” luôn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hầu hết các nhà cao tầng đều không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn hoặc trang bị thiếu, đã trang bị nhưng bị hư hỏng và đặt ở vị trí chưa hợp lý...
Còn theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ, siêu thị, việc trang bị phương tiện, thiết bị PCCC đôi khi chỉ được thực hiện cho có, nhằm đối phó với việc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ý thức về công tác PCCC của nhiều hộ kinh doanh vẫn còn thấp. Vì thế, nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại những khu vực này rất cao, nhất là khi TP đang bước vào cao điểm mùa khô hanh.
Tăng cường tuyên truyền kiểm tra
Theo các cơ quan chức năng về PCCC, để hạn chế tình trạng cháy nổ, trước hết cần tăng cường xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể công tác PCCC tại các khu vực có nguy cơ cháy cao như khu dân cư, các tòa nhà cao tầng, chợ, siêu thị... Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC đến tận các hộ dân, các cơ sở kinh doanh sản xuất, đơn vị, từ đó nâng cao ý thức tự giác của mỗi người để xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC tại chỗ hiện có, như máy bơm chữa cháy, lăng, vòi chữa cháy, bình chữa cháy các loại cũng phải tiến hành thường xuyên, kết hợp công tác xây dựng và củng cố lực lượng chữa cháy tại chỗ. “Rất nhiều vụ cháy xảy ra tại khu dân cư đều do lực lượng tại chỗ phát hiện và dập tắt kịp thời”, đại tá Lê Tấn Bửu cho biết.
Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy trong thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã tăng cường chỉ đạo các quận huyện và đơn vị liên quan chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, trong đầu tư hạ tầng PCCC, xây dựng lực lượng PCCC, trong xử lý các tình huống liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ ngày càng chặt chẽ, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô.
Hàng năm, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội tập trung vào 13 chuyên đề gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; nhà cao tầng; cơ sở vui chơi, giải trí (karaoke, vũ trường...); trường học; cơ sở xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; cơ sở hoạt động, kinh doanh, sản xuất hóa chất; cơ sở dọc tuyến đường sắt; khu công nghiệp, khu chế xuất; làng nghề... Trong 5 năm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hơn 96.000 đơn vị, xử phạt gần 14.000 tổ chức, cá nhân, xử phạt hơn 17,4 tỷ đồng.
Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết thêm: Mùa khô thời tiết nắng nóng hanh, độ ẩm không khí thấp, nguy cơ cháy cỏ mọc hoang tại các khu vực đất trống thuộc nhiều quận ngoại thành cũng khá cao, nếu xảy ra cháy, không chữa cháy kịp thời, đám cháy có thể gây cháy lan vào khu dân cư, các công trình và cơ sở lân cận, gây thiệt hại khó lường. Bên cạnh đó, thời điểm nắng nóng, hanh khô, người dân sử dụng khá nhiều thiết bị điện để làm mát, điều này dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống điện dẫn đến chạm chập điện gây cháy nổ cũng khá cao. Đại tá Bửu nhấn mạnh, để đối phó với “Bà Hỏa” trong mùa khô “cần tập trung tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên kiểm tra việc thờ, cúng, hệ thống điện sinh hoạt và chủ động trang bị ít nhất một bình chữa cháy tại nhà để sẵn sàng chữa cháy kịp thời khi đám cháy vừa mới phát sinh”.