Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, các đơn vị chức năng địa phương cần rà soát và sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn khu vực hạ du, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực và thiết bị cảnh báo người dân để ứng phó việc nhà máy thủy điện xả lũ; tuyên truyền, phổ chiến kiến thức phòng chống thiên tai để tránh thiệt hại cho các phương tiện công trình xây dựng trên sông, lồng bè nuôi trồng thủy sản, người dân sống ven sông để sẵn sàng các phương án hộ đê. Đặc biệt, không để người dân tắm sông, vớt củi khi xả lũ; phối hợp giữa các đơn vị chức năng cử các lực lượng không cho người tụ tập tại khu vực nguy hiểm. Các đơn vị sẵn sàng các phương án khi có tình huống phát sinh xảy ra.
Tại làng chài, ông Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các đơn vị chức năng cần tăng cường hơn nữa về đảm bảo an toàn cho người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi, công trình đang thi công... chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ông Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời nêu rõ, chính quyền địa phương đang sâu sát việc đảm bảo an toàn cho người dân hạ du khi mực nước sông Đà đang lên cao. Đồng thời, chú trọng vào các điểm có nguy cơ sạt lở cao như: Khu vực sản lở tổ 15 phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình), cầu Ngòi Mại (KM8+310) đường tỉnh 445 và các khu vực đã xảy ra sạt lở, nguy cơ sạt lở.
Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình nhận định, tình hình mưa lũ năm nay, theo dự báo trên lưu vực sông Đà lượng nước về khả năng sẽ cao hơn so với mức trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện những đợt lũ trong thời gian tới. Chính vì thế để đảm bảo an toàn cho hồ đập và vùng hạ du thì công ty phải thực hiện việc xả lũ sớm.