“Sao không nói?” - tự sự về tình yêu, hạnh phúc

Hơn 100 bức ảnh đến từ 6 nhóm thanh niên (sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, sinh viên Đại học Sư phạm, học sinh PTTH Đà Nẵng, công nhân trẻ, nhóm thanh niên nhiễm HIV, và nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới) tại triển lãm “Sao không nói?” mang đến chính những tâm sự của những người trong cuộc về tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc.

 

Tâm tư tuổi mới lớn


Để những người trong cuộc nói lên những vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống, những nhu cầu, mong muốn từ chính bản thân, người thân. Đó là cách làm mà Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, Môi trường và một số trung tâm nghiên cứu về gia đình và bình đẳng giới thực hiện. Những khuôn hình là những khung cảnh rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, góc chụp cũng không có gì nổi bật, nhưng để lại ấn tượng chính là câu chuyện sau bức ảnh và thể hiện suy nghĩ của giới trẻ.


Đại diện nhóm nhỏ tuổi nhất đến từ một số trường THPT Đà Nẵng, em Huỳnh Ngân 16 tuổi, đang học lớp 11, cho biết: “Nhóm của em có 8 bạn tham gia dự án kể về tâm tư của tuổi mới lớn bằng ảnh được khoảng 6 tháng nay. Với 10 bức ảnh tham dự triển lãm, nhóm sắp xếp thành hai câu chuyện: Tâm tư của tuổi học trò về tình yêu, giới tính và sự ngăn cấm của gia đình về mối tình của hai anh chị lớp trên”.


 

Huỳnh Ngân bên cạnh tác phẩm ảnh về câu chuyện “Chị tôi”.

 

Chủ đề về câu chuyện tình học trò của hai anh chị lớp 12 khá mộc mạc với hình ảnh hẹn hò, nhà trọ và hậu quả khá phũ phàng. “Tôi, cô gái 17 tuổi, dễ thương và câu chuyện được bắt đầu khi tôi có những hẹn hò…”; “Khi phát hiện dòng tin nhắn thân mật của cậu bạn trai cùng trường, bố tôi vô cùng tức giận”. Nhưng đôi khi việc sống thử cộng thêm thiếu kiến thức về tình dục lại là có thai ngoài ý muốn. "Và chuyện đã đến, chị tôi có thai và hoang mang cực độ. Chị đã đến phòng khám, người tình của chị tôi không ở bên cạnh để chia sẻ... Nhiều lần chị muốn trầm mình xuống sông Hàn. Nhưng vượt qua tất cả, chị đã trở về làng quê với cái thai lớn dần. Và em bé chào đời".


Còn câu chuyện về những buổi học về giới tính tại trường cũng được các em học sinh thành phố Đà Nẵng kể khá chân thật bên cạnh những bức ảnh minh họa là những buổi học, văn phòng tư vấn của nhà trường. "Văn phòng mở cửa, thầy cô tư vấn luôn túc trực từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, nhưng hàng ghế chờ trước cửa phòng vẫn không một bóng người. Vì sao...?". Và các em nói lên nhu cầu về những lớp học về giới tính “Những giờ học chương trình Giáo dục giới tính - giúp tuổi teen chúng tôi thêm vững vàng trong cuộc sống, tự tin trong mối quan hệ bạn bè và người lớn” và “Bên cạnh những tuổi teen hoạt động tích cực trong chương trình giới tính, cũng có những bạn không quan tâm và thờ ơ với chương trình giáo dục giới tính của nhà trường, cho đó là không quan trọng”.


Huỳnh Ngân chia sẻ: “Chúng em muốn được thầy cô và cha mẹ lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của chúng em để chúng em tự tin, chia sẻ và có trách nhiệm với quyết định của mình”.


Lời tự sự về giới tính tình yêu cũng được các sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền và Đại học Sư phạm quan tâm. “Tôi đang lớn. Tôi tò mò về sự phát triển của cơ thể tôi, tâm sinh lý của tôi, cũng như của các bạn gái. Tuy nhiên không ai nói gì với tôi cả. Tôi tìm kiếm thông tin trên mạng internet và tôi cảm thấy như bị lạc lối giữa một rừng thông tin. Tôi có quyền được hiểu biết nhưng tôi cần một ai đó chỉ cho tôi biết tôi cần tìm gì, ở đâu”, Đỗ Trọng Phú chia sẻ về tâm tư của một nhân vật trong bức ảnh. Còn sinh viên Vũ Trọng Khanh kể qua một bức ảnh: “Những câu chuyện phiếm của các cô nhân viên siêu thị về chuyện phòng the được “tám” thoải mái ở nơi công cộng như nơi siêu thị. Nhưng để nói chuyện nghiêm túc với con cái thì họ không làm được, cô ấy không thể hướng dẫn cho đứa con 16 tuổi khi nó thắc mắc, họ cho rằng “trẻ con không cần phải biết”.

 

Những cảnh báo lưu tâm


Trong khi đó những bức ảnh của nhóm về nhà (nhóm thanh niên nhiễm HIV) giới thiệu những bức ảnh ghi dấu những kỷ niệm tình yêu và những bài học cảnh báo về tình dục an toàn, mong ước những đứa con khỏe mạnh. Bức ảnh chụp những quả mơ được xếp chồng lên nhau rất đỗi bình thường nhưng đằng sau là cả một mơ ước “Người yêu tôi đã xếp những trái mơ này lại với nhau và bảo, sau này chúng ta sẽ sinh nhiều con để có một gia đình hạnh phúc như thế này. Tôi im lặng quay đi, cố nén tiếng thở dài. Nếu cô ấy biết tôi là người có H, cô ấy có còn yêu và muốn có con với tôi? Mơ ước phải chăng là mơ ước?” (Phúc, nam, 24 tuổi, nhóm về nhà).


Sau khi biết bị nhiễm H, họ thường bị sốc và luôn nhớ về kỷ niệm xưa như cây dương xỉ, góc phố bình yên, hay như chiếc đèn lồng. Đó có thể là câu chuyện “Bị nhiễm HIV từ chồng, sau khi anh mất, tôi tự nhốt mình trong phòng. Lúc ấy, thứ duy nhất làm bạn với tôi là chiếc đèn lồng, kỷ vật còn sót lại sau đám cưới” (LBN, nữ, 27 tuổi, nhóm về nhà).


Với chị H, 27 tuổi lại mang một tâm tư khi đứa con đang vui đùa. “Giá như ngày ấy, anh nói cho biết sự thật để tìm hiểu về điều trị dự phòng cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV thì có lẽ... Các bác sĩ nói rằng nếu được chăm sóc tốt, con chị (một trong hai bé, nhiễm HIV) vẫn sẽ trưởng thành, vẫn lấy vợ và vẫn có thể sinh con khỏe mạnh”.


Đại diện của nhóm về nhà cho biết: “Thông điệp chúng tôi muốn chuyển đến là cảm ơn những người thân yêu đã ở bên, chia sẻ và nâng đỡ để chúng tôi không mất đi niềm tin vào cuộc sống và vượt qua thử thách để sống có ích hơn cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Người sống chung với HIV, như mọi người khác trong xã hội đều có mưu cầu hạnh phúc. Kỳ thị không giúp ích cho người có H và xã hội. Tấm lòng yêu thương mới là phương thuốc ngăn chặn HIV tốt nhất”.


Những bức ảnh của nhóm công nhân nói về sống chung trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, cho đến tình yêu lãng mạn và hạnh phúc giản đơn. Tuy nhiên, sống thử cũng để lại nhiều hậu quả như bức ảnh chụp căn phòng có ảnh cửa le lói với chủ đề “Chốn cũ: Bên trong cánh cửa này đã từng là thiên đường hạnh phúc của tôi và anh nhưng cũng là nơi tôi phải chia tay với giấc mơ làm mẹ sau nhiều lần phá thai. Có thể anh hối lỗi vì đã đề nghị tôi bỏ thai nên nói rằng sau này chúng tôi có thể nhận con nuôi, nhưng dù sao đó cũng là lối thoát” (Xuân, nữ, 24 tuổi, nhóm công nhân). Và việc có thai trước khi cưới, nạo phá thai là những cảnh báo đáng quan tâm trong câu chuyện của nhóm công nhân. Chính vì vậy, thông điệp mà nhóm công nhân chuyển tải là chủ động bảo vệ mình và cần thông tin đầy đủ, dịch vụ thân thiện; cũng như thái độ tôn trọng, không phán xét của cán bộ y tế và mọi người.


Ban tổ chức cũng dành một góc triển lãm của những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) chia sẻ thêm, mỗi hiện vật dù nho nhỏ như chiếc lọ thủy tinh đựng dây chuyền, chiếc bàn chải đánh răng, hay chiếc khăn len đều chứa đựng những câu chuyện cảm động.


Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ phó Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, những bức ảnh do chính người trong cuộc kể cho thấy những tâm tư của nhóm thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nó là những thông điệp đáng quan tâm mà các nhà chuyên môn cần tiếp cận để có những chính sách tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc sức khỏe giới tính một cách hiệu quả hơn và để cuộc sống tốt đẹp hơn.


Xem để rồi suy ngẫm về những thông điệp mà các nhóm muốn chuyển tải qua các bức ảnh về chính cuộc sống chân thực cũng là dịp để hiểu hơn về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN