Ngày 21/6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình đối với ô tô chở khách cho các Sở Giao thông Vận tải khu vực phía Nam. Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Việc thanh tra, xử phạt sẽ được thực hiện vào đầu tháng 7/2013, nếu doanh nghiệp vận tải nào vi phạm sẽ xử lý mạnh, rút giấy phép kinh doanh vận tải chứ không chỉ dừng lại ở chỗ phạt tiền hoặc tước phù hiệu như trước đây.
Đội xe phục vụ hành khách tại Bến xe miền Tây, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Đợt thanh tra lần này sẽ tập trung thanh tra việc lắp đặt, duy trì tình trạng kỹ thuật của thiết bị; việc khai thác, quản lý cập nhật thông tin trong 1 năm; các thông tin tối thiểu của thiết bị giám sát hành trình như thông tin về xe, lái xe, hành trình, tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian dừng đỗ của xe, việc mở cửa xe và thời gian làm việc của xe.
Theo ông Thạch Như Sỹ, hiện nay việc quản lý phương tiện vận tải, quản lý lái xe còn lỏng lẻo, nhiều đơn vị đi thanh tra nhưng không bắt được lỗi hoặc nếu bắt được cũng không xử phạt nghiêm tay nên công tác thanh tra chỉ mới “dọa” được lái xe chứ chưa “dọa” được chủ doanh nghiệp.
Cả nước hiện có 52 doanh nghiệp có sản phẩm thiết bị giám sát hành trình được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy chứng nhận hợp quy. Trong quá trình thanh tra thiết bị giám sát hành trình, sẽ có bộ phận theo dõi lực lượng thanh tra để chống tiêu cực, cụ thể là quy định việc ra hiệu dừng xe sẽ chỉ do Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra hoặc Thanh tra viên thực hiện, các nhân viên khác không được quyền tham gia. Qua đ ợt thanh tra này, các cơ quan chức năng hi vọng sẽ giảm số vụ tai nạn giao thông gây chết người xuống 5-10% so với năm 2012.
Ông Võ Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử viễn thông Ánh Dương, đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy chứng nhận hợp quy cho biết: Vì sự an toàn sinh mạng của hành khách, đáng lẽ doanh nghiệp vận tải phải chấp hành việc lắp các thiết bị giám sát hành trình từ lâu chứ không phải chờ đến khi có chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải mới thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ, việc lắp đặt chỉ mang tính đối phó, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước cũng như chưa tạo được niềm tin cho hành khách.
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ngày 20/6, Bộ Giao thông Vận tải có công văn yêu cầu Thanh tra Tổng cục Đường bộ, Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải tập trung thanh tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô; hoạt động của chủ bến xe, trách nhiệm giám sát phương tiện và hoạt động của đơn vị vận tải tại bến xe; các quy chuẩn về thiết bị giám sát hành trình đối với ô tô chở khách; công tác quản lý đường bộ; xe quá khổ, quá tải.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu lực lượng thanh tra chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không được để xảy ra tiêu cực trong việc cho dừng phương tiện giao thông và quản lý hồ sơ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Trần Xuân Tình