Sạt lở làm hư hại các trại sản xuất tôm giống tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong các ngày 5 - 7/12, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to và dông, mực nước các con sông tiếp tục lên và có khả năng vượt báo động 2. Ngoài khơi vùng biển có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4 m, cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1 - 2.
Các khu vực bờ biển tiếp tục bị sạt lở trên tổng chiều dài 10,5 km tập trung ở xã Phong Hải (huyện Phong Điền); xã Quảng Công (huyện Quảng Điền); xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang); xã Vinh Hải, Tư Hiền (huyện Phú Lộc)...
Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, hiện có 6 km bờ biển đang bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền trên 30 m. Nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng trực tiếp tới 100 hộ dân và còn xâm lấn đến gần hệ thống điện cao thế đang cung cấp cho 10 xã vùng đầm phá ven biển của hai huyện Phú Vang, Phú Lộc.
Sạt lở bờ biển ở Phú Thuận còn uy hiếp các trại sản xuất tôm giống, tuyến giao thông quốc lộ 49A, các bến neo đậu tàu, thuyền và hệ thống kè mềm chống sạt lở bờ biển xây dựng trước đây...
Trước tình trạng này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động khắc phục, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc xây dựng còn rất hạn chế. Tỉnh cũng đã đề xuất với Trung ương sớm đưa vấn đề chống sạt lở của địa phương vào chương trình đầu tư khẩn cấp, nhằm kiên cố hệ thống bờ biển của địa phương, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trước nguy cơ biển liên tục ăn sâu vào đất liền.
Nhà dân ở thôn Tân An, xã Phú Thuận chỉ còn cách bờ biển khoảng 30 m nên buộc phải di dời đến nơi ở mới. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Mưa lớn trong những ngày qua cũng làm tuyến bờ biển của xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 2,5 km, xâm thực vào đất liền từ 20 - 25 m, đe dọa trực tiếp hàng chục hộ dân sinh sống tại đây. Ngoài các điểm bị xâm thực trước đây chưa khắc phục xong, nạn sạt lở bờ biển mới đây trên địa bàn càng làm trầm trọng thêm tình hình, một số tuyến đê bao đã bị phá vỡ, hư hỏng toàn bộ, biển tiếp tục lấn sâu vào đất liền.
Kiểm tra sơ bộ bước đầu của lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, có 9 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng do mất nhà, mất đất sản xuất, với khoảng 250 ha hoa màu bị xâm lấn và khoảng 70.000 - 100.000 cây phi lao dọc bờ biển bị sóng cuốn trôi ra biển...