Cũng theo ông Hồ Duy Tâm, trước đó vào ngày 27/5 ngay tại khu vực trên đã xảy ra sự cố sạt lở, sụt lún đất làm 4 nhà dân bị đổ sập xuống sông. Ngay sau đó, 4 hộ dân này đã đầu tư hơn 150 triệu đồng mua cây dừa, tràm làm kè chống sạt lở, nhưng bất thành. Đến sáng 18/6, khu vực này lại tiếp tục sụt lún làm hư hại 6 căn nhà kiên cố liền kề.
Sau khi sự cố sạt lở tiếp tục xảy ra, Ủy ban nhân dân thành phố Tân An đã di dời toàn bộ người và tài sản của 6 hộ dân bị sạt lở đến khu vực an toàn; đồng thời, bố trí chỗ ở tạm thời cho họ.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, điểm sạt có quy mô sạt lở khoảng 260m. Nơi có đất sạt lở và lún sâu khoảng 9m, chiều rộng sạt lở ra phía sông từ 8 - 10m. Tại khu vực sạt lở, ngoài 6 căn nhà đã sụt lún, bị hư hại hoàn toàn vẫn còn 27 hộ đang trong nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống.
Qua khảo sát thực tế, nguyên nhân sạt lở, sụt lún nhà dân do ảnh hưởng của dòng chảy mạnh gây xói mòn, tạo hàm ếch. Hiện, chính quyền địa phương đến khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ, động viên người dân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho chủ trương chỉ định thầu, đơn vị tư vấn khảo sát kè lại đoạn sông bị sạt lở. Đồng thời, cơ quan chức năng khẩn cấp tiến hành kháo sát sát, đo đạc, đánh giá nguyên nhân, xử lý hợp lý khu vực sạt lở trên.