Sẽ có quy định hộ tịch cho trẻ sinh từ tinh trùng người mất

Ngành Tư pháp thực sự bối rối trước việc tiến hành thủ tục về hộ tịch cho hai bé trai sinh đôi (tại Hà Nội) là kết quả của ca thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng của người bố đã mất. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện chưa có bất cứ quy định nào hướng dẫn giải quyết trường hợp như thế này.

Khoảng trống pháp lý


Xét về mặt y học, đây là một thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, vấn đề này đang đặt ra cho các nhà làm luật câu hỏi lớn về quy định hộ tịch của trẻ. Từ trường hợp cụ thể này, các nhà làm luật mới nhận ra rằng, pháp luật hiện chưa có bất kỳ quy định nào trong việc làm giấy khai sinh, nhất là mục ghi phần người cha của đứa trẻ; và vấn đề nhận tài sản thừa kế của đứa trẻ từ người cha đã chết.

 

Hiện chưa có quy định cụ thể nào để tiến hành các thủ tục về hộ tịch cho hai trẻ trong ca sinh đôi hy hữu này. Tiến sĩ Vương Văn Vệ cung cấp


Rõ ràng, đây chính là khoảng trống rất lớn của luật pháp. Dư luận cho rằng, những người làm luật cần nhanh chóng có những nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về hộ tịch, về quyền thừa kế cho những trẻ được sinh ra trong trường hợp này.

Theo Tiến sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - người thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đặc biệt này: Năm 2010, theo đề nghị của một người phụ nữ, ông trực tiếp lấy một bên tinh hoàn của một nam giới 30 tuổi là chồng của người phụ nữ này đã tử vong do tai nạn giao thông. Tinh hoàn được lưu trữ, bảo quản tại ngân hàng mô-tinh trùng của bệnh viện. Trong suốt ba năm qua, chất lượng tinh hoàn vẫn rất tốt. Mãn tang chồng, người vợ đề nghị được sinh con từ tinh trùng của chồng.

Tiến sĩ Vương Văn Vệ đã lấy tinh trùng từ mô tinh hoàn, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Và vô cùng kỳ diệu, tinh trùng được lưu giữ sau 3 năm vẫn đảm bảo “chất lượng” hình thành phôi và phôi phát triển tốt. Hai phôi được bác sĩ cấy vào tử cung vợ của người đã mất. Chị đã mang bầu và sinh đôi hai bé trai. Theo các chuyên gia y tế, đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam và chưa từng gặp tại nhiều quốc gia trên thế giới.


Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết: Pháp luật về hộ tịch chỉ có quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ có bố mẹ có hôn thú và đăng ký khai sinh cho trẻ ngoài giá thú. Trường hợp trẻ được sinh ra từ tinh trùng người cha đã chết thì khi làm khai sinh, phải tuân thủ theo pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự. Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận: “Hiện chưa có quy định cụ thể về làm giấy khai sinh cho trẻ được sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết trong pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự”.


Đảm bảo quyền lợi cho trẻ


Theo ông Toàn, với trường hợp trên, trước mắt, trẻ có thể mang họ mẹ. Phần tên cha để trống. Sau này nếu có cơ sở pháp lý sẽ sửa đổi trên giấy khai sinh của trẻ. “Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Luật Hộ tịch nên vấn đề này sẽ sớm được nghiên cứu”, ông Toàn cho biết.


Cùng chung quan điểm này, TS luật Đỗ Đức Hồng Hà, Hiệu trưởng trường Trung cấp Luật Đồng Hới (thuộc Bộ Tư pháp) cho biết: “Về phần giấy khai sinh của trẻ trong trường hợp này, chắc chắn phải ghi họ tên của người cha. Tuy nhiên, phải chọn thời điểm ghi sao cho hợp lý. Nếu chưa xác định chính xác trẻ là con ruột của người đã mất thì chưa thể ghi tên cha trong giấy khai sinh của trẻ. Khi đã xác định được chính xác người đã mất là cha ruột của trẻ thì chính quyền địa phương, nơi làm giấy khai sinh cho trẻ, phải ghi họ tên, quốc tịch người cha trong giấy khai sinh để đảm bảo quyền lợi cho trẻ”. Theo ông Hà, cách xác định chính xác nhất cha ruột của đứa trẻ là xét nghiệm ADN của trẻ với anh chị em ruột của người đã mất hoặc với ông bà nội của đứa trẻ.


Phân tích thêm về vấn đề này, TS luật Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, các nhà làm luật cũng phải lưu ý đến việc xây dựng quy định về phân chia tài sản của người cha đã mất cho các con. Trong trường hợp nếu người cha để lại di chúc chia tài sản (tất nhiên là trong di chúc, những đứa trẻ sinh ra sau khi người này đã mất sẽ không được hưởng tải sản của người cha), nên quy định những đứa trẻ này trong diện thừa kế (hàng thừa kế thứ nhất), tức là chúng đương nhiên được hưởng tài sản của người cha để lại dù không có tên trong di chúc.


Ở khía cạnh y học, pháp luật chưa quy định về việc lấy tinh trùng của người đã chết để thụ tinh cho người vợ. Hiện chỉ có quy định cho phép lưu trữ tinh trùng để dùng cho những trường hợp bị vô sinh, hiếm muộn; và phải được sự đồng ý của người cho. Còn như trường hợp trên, việc lấy tinh trùng lưu trữ, thụ tinh và sinh con lại không có sự đồng ý của người cho.


“Thực tiễn luôn đi trước pháp luật. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra quy định cụ thể cho những trường hợp như thế này”, ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định. Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, việc xây dựng những quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho trẻ, chứ không gây khó dễ cho người dân.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN