Sẽ kiểm tra mũ bảo hiểm tại chốt giao thông


Tính đến ngày 30/4, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 3.600 vụ sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH); qua đó phát hiện gần 1.800 cơ sở vi phạm; tổng số tiền xử phạt hơn 870 triệu đồng. Sắp tới, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý người tham gia giao thông đội MBH không đạt chất lượng ngay tại các chốt giao thông.

 

Đội QLTT số 12 kiểm tra cơ sở kinh doanh MBH tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hữu quyết - TTXVN

 

Đó là thông tin được đưa ra trong buổi tọa đàm “Tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông” do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia, Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ GTVT)..., phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua.

 

Nhiều thủ đoạn tinh vi


“Khoảng hai, ba tuần trở lại đây, có một số đơn vị trước đây chuyên sản xuất MBH rởm sau khi bị xử lý đã đăng ký chứng nhận hợp quy CR để sản xuất MBH. Họ mua linh kiện chất lượng kém chỉ vài trăm đồng đến vài nghìn đồng, sản xuất rất thủ công và bán sản phẩm với giá rất rẻ. Trong khi chúng tôi phải đầu tư máy móc, mua linh kiện đảm bảo chất lượng với giá cao gấp 3 – 4 lần họ nên giá bán sản phẩm cao hơn vì vậy khó cạnh tranh trên thị trường”, ông Lương Thanh Liêm, Giám đốc Công ty sản xuất MBH Hùng Hậu cho biết.


Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng bức xúc chia sẻ: “Hiện có tình trạng nhiều DN của ta sang Trung Quốc đặt mua MBH bên đó, chuyển về nước, rồi dán nhãn mác của doanh nghiệp vào để “đánh lừa” người tiêu dùng”.


Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết, MBH không đạt chất lượng, mũ có kiểu dáng giống MBH, mũ nhựa..., thường được bán tại các cơ sở nhỏ lẻ nên việc truy tìm nơi sản xuất rất khó khăn. Hiện nay, với các loại mũ nói trên, lực lượng chức năng chủ yếu xử lý vi phạm về không có hóa đơn, chứng từ hoặc không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.


Tăng cường quản lý, xử phạt


Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị, các lực lượng liên ngành tiếp tục tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh các loại MBH giả, MBH không rõ nguồn gốc xuất xứ, mũ có kiểu dáng giống MBH...


Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ KH&CN cần đưa ra một mẫu tem CR chuẩn để thuận tiện cho việc quản lý chất lượng MBH của các lực lượng chức năng. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần có hướng dẫn và cập nhật các loại MBH đã hợp quy, thông tin công khai các cửa hàng, đại lý bán MBH đạt chuẩn để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi chọn mua MBH.


Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia: “Sắp tới cần xử lý nghiêm đối với người đội mũ có cấu tạo không phải là MBH khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”.

Ông Hiệp cho biết thêm: “Để MBH không đạt chuẩn trôi nổi thị trường, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân. Ở đây còn có lỗi của các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo tôi, cần phải làm rõ khái niệm, tiêu chí thế nào là MBH và thế nào không phải là MBH”.


Tuy nhiên, đại diện Cục cảnh sát giao thông cho rằng, theo luật định, thẩm quyền của CSGT chỉ xử phạt người tham gia giao thông không đội MBH và không cài quai MBH đúng quy cách. Còn định nghĩa như thế nào là MBH là trách nhiệm của cơ quan chức năng, không thể bắt buộc người dân chứng minh đây là MBH hay không phải MBH.


Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục QLTT khẳng định: “Tới đây, Cục QLTT, Cục Đo lường chất lượng sẽ đứng cùng cảnh sát giao thông tại các chốt giao thông để kiểm tra và đưa ra kết luận MBH mà người tham gia giao thông đội là mũ “xịn” hay mũ “dởm”. Người nào đội mũ không phải MBH thì sẽ bị xử phạt. Chúng tôi chủ động chịu trách nhiệm việc này và làm thí điểm từng tuyến phố, có như vậy người dân mới chấp hành nghiêm quy định này”.

 

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN