Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc xây dựng Trung tâm này sử dụng nhiệt điện khí hay nhiệt điện than. Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương đã có những chia sẻ, để lý giải rõ hơn về dự án này.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, đối với Trung tâm điện lực Long An, trước đây từ năm 2013-2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã vào làm việc, khảo sát, và UBND tỉnh Long An cũng đã có báo cáo Chính phủ đề nghị cho xây dựng nhà máy nhiệt điện than Long An 1 và Long An 2 tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc.
Với quy mô 2x600MW (dự án Long An I) và 2x800MW (dự án Long An II), khi đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng trong 1 tỉnh mà 2 huyện sát nhau nên thực hiện 2 dự án tính hiệu quả không cao. Thủ tướng yêu cầu nên lập quy hoạch 1 trung tâm nhiệt điện, đồng thời phát triển 2 dự án theo đề xuất của tỉnh này.
Đến giai đoạn 2015-2016, Bộ Công Thương đã giao tư vấn khảo sát, lập Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An, đáp ứng quy mô 2.800MW (gồm cả Long An 1 và Long An 2). Phía đơn vị tư vấn đã đề nghị vị trí thuận lợi nhất là tại huyện Cần Đước.
Thời gian qua, từ 2015 đến 2017, do có một số thông tin lo ngại về tác động môi trường của nhiệt điện than nên lãnh đạo tỉnh Long An sau khi đã điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến quốc phòng đã đồng ý địa điểm huyện Cần Được là đủ điều kiện xây dựng.
Tuy nhiên, lo ngại về tác động môi trường tỉnh Long An đã có đề nghị ưu tiên phát triển nhiệt điện khí trước rồi mới đến than. Tỉnh cũng đề nghị tổ chức hội thảo giới thiệu thêm về công nghệ, quy hoạch, tác động của nhiệt điện than đến môi trường. Về phía Bộ Công Thương đã làm việc, trao đổi, mời chuyên gia môi trường, phối hợp với địa phương tổ chức các hội thảo từ xã, huyện, tỉnh.
"Tuy nhiên, văn bản cuối cùng tỉnh Long An trả lời vẫn giữ quy hoạch phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà không phát triển nhiệt điện than", đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.
Ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, theo tư vấn và đánh giá của Bộ Công Thương, địa điểm được thỏa thuận tại Cần Đước, cơ bản luồng vận chuyển cho tàu tải trọng lớn, nếu có nạo vét chỉ đáp ứng tàu 50.000 tấn, trong khi đó với tàu vận chuyển khí LNG phải 100.000 tấn trở lên mới hiệu quả.
Nên nếu sử dụng LNG nhập khẩu cho phát điện sẽ dẫn đến nạo vét luồng lớn, mặt khác cũng chưa đánh giá được khối lượng nạo vét hàng năm do bồi lắng, có thể sẽ dẫn tới đầu tư kém hiệu quả. Hơn nữa, quá trình vận chuyển, bơm khí từ tàu vào bờ đòi hỏi khoảng không khá lớn để đảm bảo an toàn, vấn đề này cũng chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến giao thông đường thủy trên cùng tuyến luồng sông Soài Rạp vào cảng Hiệp Phước liệu có khả thi.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài, với bán kính từ tàu LNG ra phạm vi xung quanh, mỗi phía phải 200m, phương tiện giao thông khác không được qua lại và trong khoảng cách 400m phải hạn chế hoạt động giao thông. Nên với phạm vi sông từ cửa biển vào đến vị trí trung tâm này thì gần như không đảm bảo an toàn như vậy.
Nếu sử dụng tàu kho cảng nổi LNG ngoài khơi cũng hơn 30 km, phải có đê chắn sóng để tàu LNG đảm bảo ổn định trên mặt biển, không bị ảnh hưởng bởi tác động bởi môi trường, gió bão .
“Hiện vẫn chưa có nhiên cứu nào đánh giá: Nếu làm cảng cứng tại trung tâm thì như thế nào, luồng lạch cần phải làm gì để đảm bảo hoạt động của tàu vận chuyển LNG, hạn chế giao thông ảnh hưởng kinh tế xã hội ra sao? Nếu làm cảng nổi ngoài khơi thì đảm bảo an toàn thế nào, vận chuyển khí ra sao... Do vậy, Bộ chưa có cơ sở đánh giá để duyệt dự án này sử dụng điện khí LNG nhập khẩu như đề nghị của tỉnh”, ông Lực nói.
Trường hợp kết nối cấp khí từ hệ thống đường ống cấp khí Đông Nam Bộ cũng chưa có đánh giá. Hiện nguồn khí trong nước từ các mỏ khí Đông Nam Bộ đang suy giảm, cạn kiệt và phải tính đến mua khí thêm từ các đối tác khác Malaisia... Hiện chưa có kế hoạch cụ thể nếu trung tâm này dùng khí thì nguồn ở đâu và sẽ tác động thế nào đến môi trường, tác động xã hội khác, ông Lực cho biết thêm.
Còn đối với than, vị đại diện này cho rằng, cung cấp đáp ứng được cho Trung tâm điện lực. Phạm vi nạo vét cho tàu chở than cũng được tính toán, chỉ từ ngã 3 của sông Soài Rạp, Vàm Cỏ, vào đến nhà máy khoảng hơn 4km, còn lại nhập vào luồng chung đến cảng Hiệp Phước, là luồng quốc gia. Có thể tính toán được lượng nạo vét cho tàu 50.000 tấn, vào đến vị trí trung tâm này; từ đó, tính được hiệu quả của trung tâm này sử dụng than. Và nếu sử dụng than nhập khẩu, với quy mô phù hợp sẽ tăng hiệu quả kinh tế!
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, trong văn bản trả lời tỉnh, Bộ Công Thương cũng có báo cáo Văn phòng Chính phủ để biết thông tin thực hiện quy hoạch này.
“Chúng tôi chưa báo cáo chính thức vì tỉnh có ý rằng, thời gian gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài có khảo sát, nghiên cứu. Như tại Bạc Liêu, các nhà đầu tư có ý định xây dựng dự án tuabin khí đặt trên cảng nổi, kho khí LNG cũng trên cảng nổi, phát điện nối cáp vào đất liền, giá điện 7cent/kWh. Lỉnh Long An có hi vọng nhà đầu tư khảo sát, đáp ứng dự án tương tự như Bạc Liêu”, ông Lực chia sẻ.
Ông Lê Văn Lực cũng khẳng định, Bộ đánh giá nếu nhà đầu tư nào có hình thức đầu tư như thế, sử dụng kho cảng nổi, đảm bảo cung cấp LNG, giá điện chỉ khoảng 7cent/kWh thì hoàn toàn ủng hộ.
"Nếu tỉnh tìm kiếm được nhà đầu tư có phương án cụ thể, khả thi. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ vấn đề này và chuyển Trung tâm điện lực sang sử dụng khí hóa lỏng LNG nhập khẩu như đề nghị của tỉnh", ông Lực chia sẻ.
Trước đó, sau khi tổ chức hội thảo chuyên đề "Quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và công tác bảo vệ môi trường" để lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, tỉnh Long An đã kiến nghị Bộ Công Thương giữ nguyên quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhằm hạn chế tác động ảnh hưởng môi trường.
Bộ Công Thương cũng đã có trả lời về việc xây dựng Trung tâm điện lực tại tỉnh Long An. Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, chưa đủ điều kiện để xây dựng nhà máy nhiệt điện khí. Bởi địa phương khi đề xuất chuyển từ nhiệt điện than sang dùng khí thì phải chứng minh được phương án cấp khí vận hành như thế nào, kho cảng cấp khí ở đâu, tuyến luồng lạch ra sao và sơ bộ hiệu quả kinh tế mà dự án đem lại có đáp ứng được không?
Theo quy hoạch, Trung tâm điện lực Long An sẽ được xây dựng tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước trên tổng diện tích hơn 360 ha. Quy mô 2 nhà máy Long An 1 và 2 có tổng công suất khoảng 2.800 MW, sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn – USC. Các dự án khi đi vào vận hành hàng năm sẽ sản xuất khoảng 17 tỷ kWh, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, dự án này đang vấp phải nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho rằng, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho Long An phát triển điện lực để phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, mong muốn Bộ sẽ nghiên cứu thay thế nhiệt điện khí, vì đây là điều kiện tốt nhất cho Long An.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tôn trọng quyết định của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An trong dự án này. Bộ Công Thương cũng thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy dự án phát triển kinh tế. Theo đó, khi xem xét dự án này, cần cân nhắc đến hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường...