Siết chặt an toàn giao thông đường thủy - Bài 2

Việc quản lý phương tiện thủy nội địa, giám sát ATGT đường thủy do có nhiều đơn vị cùng thực hiện kiểm soát, kiểm tra, đang gây ra nhiều bất cập. Thực tế này dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” trong xử lý tàu thuyền vi phạm và nguy cơ mất ATGT vẫn tiềm ẩn…

 BẤT CẬP TRONG XỬ LÝ VI PHẠM 

Đơn cử như tình trạng quản lý, cấp phép và xử lý vi phạm của các bến thủy trên tuyến ĐTNĐ qua các TP Hải Phòng, TP Việt Trì (Phú Thọ), TP Hà Nội… Do thiếu quy hoạch, quy hoạch cảng bến thủy “treo”, nên các bến thủy nội địa không phép mọc lên như nấm tại các địa phương hiện nay, kéo theo tình trạng tàu thuyền ra vào tại các bến thủy này hoạt động bốc xếp lộn xộn, chở quá tải, quá khổ, gây mất ATGT đường thủy. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với các bến thủy và tàu thuyền vi phạm bộc lộ nhiều bất cập.

Bến thủy không phép đang hoạt động trên sông Lô.

Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc Nguyễn Công Minh cho hay: Vi phạm chủ yếu trên tuyến hiện nay là tàu thuyền chở quá tải vật liệu xây dựng, xuất phát từ các bến thủy không phép. Khi biết lệnh đi kiểm tra của liên ngành, tàu thuyền chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng khi lực lượng rút đi là đâu lại vào đó. Cảng vụ, thanh tra thuộc Chi cục chỉ được phép kiểm tra giấy tờ, điều kiện đảm bảo ATGT, xử lý vi phạm khi tàu thuyền neo đậu vào bến, không được phép dừng tàu đang chạy để kiểm tra, mặc dù phát hiện vi phạm. Thẩm quyền này thuộc về CSGT đường thủy của địa phương. Việc các bến thủy hoạt động không phép cũng do chính quyền cơ sở xử lý vi phạm chứ cảng vụ, thanh tra không thể can thiệp. 

Chính bất cập này đang làm hạn chế công tác kiểm soát ATGT của các phương tiện lưu thông trên các tuyến thủy nội địa, vì đơn vị nào cũng chỉ làm nhiệm vụ của mình theo quy định, nên tình trạng vi phạm tràn lan.

Theo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, để siết chặt tình trạng bến thủy trái phép gia tăng, Chi cục đã nhiều lần đề xuất địa phương rà soát lại, bến nào đủ điều kiện hoạt động bốc xếp hàng hóa, cầu cảng, tàu thuyền ra vào dễ dàng thì cấp phép hoạt động, không đủ điều kiện thì giải tỏa, nhằm quy về một đầu mối địa phương quản lý, dễ thực hiện quy hoạch và hạn chế tình trạng cạnh tranh vận tải không lành mạnh với các bến thủy có phép hiện nay; đồng thời đảm bảo ATGT ĐTNĐ. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm, đề xuất này của Chi cục dường như rơi vào quên lãng.

Một bất cập nữa, theo Trạm phó Trạm Dương Hà (Đoạn đường sông số 6 Yên Viên - Sông Đuống - Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) Nguyễn Tuấn Thăng, trạm Dương Hà hiện nay theo quy định chỉ có chức năng cảnh báo, nhắc nhở tàu thuyền đảm bảo ATGT đường thủy khi lưu thông qua trạm, không có thẩm quyền xử phạt. Vì vậy, khi nhiều tàu chở quá tải tại nhiều thời điểm, đua nhau “phi nước đại”, “mạnh ai nấy chạy” qua trạm, tiềm ẩn nguy cơ đâm va, tai nạn giao thông đường thủy, nhưng khi ra hiệu tàu thuyền chạy chậm để kiểm tra, các tàu đều không chấp hành, phớt lờ hiệu lệnh. Đây là bất cập lâu nay khó giải quyết, khó thống nhất cơ chế xử lý giữa các lực lượng chức năng trên ĐTNĐ.

“Chính thực tế trên là những kẽ hở để vi phạm ATGT ĐTNĐ gia tăng thời gian gần đây. Nếu các cơ quan liên quan không thống nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp thì những vụ tai nạn đường thủy không báo trước sẽ còn tái diễn”, ông Nguyễn Công Minh cho hay.

Chưa hết, việc xây dựng các công trình đường thủy không có sự phối hợp trong khảo sát địa chất, luồng tuyến đường thủy giữa các cơ quan liên quan cũng đang cho thấy những bất cập khó khắc phục. Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 Trần Xuân Khơi cho biết: Từ khi cầu Hạc Trì đưa vào khai thác song song với cầu Việt Trì cũ bắc qua sông Lô đã xuất hiện hàng chục vụ phương tiện thủy chở hàng va quệt vào trụ cầu Việt Trì. Vị trí lòng sông giữa hai cây cầu này trở thành “điểm đen” về vi phạm và tai nạn đường thủy, do tạo ra dòng chảy xiên. Mặt khác, cách thượng lưu cầu Hạc Trì vài trăm mét có nhiều bến thủy, khiến lòng sông bị thu hẹp, nên mức độ dồn chảy, xoáy nước tại khu vực hai cầu càng tăng. Lái tàu thuyền đi qua đoạn này không có kinh nghiệm xử lý, cộng với việc chở quá tải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ đâm va trụ cầu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Minh cũng xác nhận, sự phức tạp của vị trí này là do ảnh hưởng của việc xây dựng cây cầu mới tại địa phương, mà chưa khảo sát địa hình, địa chất và lấy ý kiến quản lý của ngành Đường thủy. Trước thực tế trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phải bố trí lực lượng điều tiết chống tàu thuyền va trôi từ trong gần 1 năm nay (từ tháng 7/2015). 

Điều đáng lưu tâm là mặc dù các vụ tai nạn đường thủy vẫn thường xuyên xảy ra tại “điểm đen” này, nhưng trên một đoạn tuyến sông của địa phương, do có nhiều đơn vị cùng quản lý gồm: Chính quyền sở tại, CSGT đường thủy, Cảng vụ, Thanh tra... dẫn đến tình trạng không ai đứng ra chịu trách nhiệm và cũng không biết quy trách nhiệm cho ai, mỗi khi có sự vụ hay tai nạn xảy ra. Thực tế này không chỉ làm hạn chế khả năng phòng ngừa tai nạn, mà ngay cả khi tai nạn xảy ra thì công tác điều tra xử lý cũng gặp nhiều trở ngại.
Đăng Sơn
Siết chặt an toàn giao thông đường thủy nội địa - Bài 1
Siết chặt an toàn giao thông đường thủy nội địa - Bài 1

Nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) rất đáng báo động, mà nguyên nhân chính là do các địa phương buông lỏng quản lý, kiểm soát phương tiện thủy trong một thời gian dài...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN