Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí và cũng là năm thứ hai liên tiếp số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam ở mức dưới 10.000 người kể từ năm 2001 đến nay. Song, số người chết vẫn chưa đạt được tiêu chí Quốc hội đề ra là giảm từ 5% - 10%. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2013 và các biện pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông năm 2014.
*Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bức tranh an toàn giao thông trong năm 2013?
* Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm 2013, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đánh giá là có hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ cũng như dư luận nhân dân đánh giá rất cao các hoạt động của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, các bộ, ngành trong tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Điểm nổi bật nhất của Năm an toàn giao thông 2013 là tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ giảm 5,3%, số người bị thương giảm 9,36% và số người chết giảm 0,58% so với cùng kỳ. Các giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã bắt đầu phát huy hiệu quả, trong đó đặc biệt là giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mới, ý thức của người tham gia giao thông ở Việt Nam có bước chuyển tốt hơn trước đây rất nhiều.
Tuy nhiên, có thể nói, năm 2013 vẫn còn một số vấn đề phải rút kinh nghiệm: thứ nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người vẫn xảy ra, đặc biệt là những tháng đầu năm. Thứ hai là hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng, đặc biệt là việc “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ” - chủ đề trọng tâm năm 2013 - nhiều giải pháp đã đề ra nhưng vẫn còn tình trạng quản lý kinh doanh vận tải chưa tốt, tuần tra xử lý vi phạm chưa đảm bảo nghiêm minh và công bằng.
* Phóng viên: Năm 2013 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra. 6 tháng cuối năm, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp, song có thể nói vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý kinh doanh vận tải. Vậy làm thế nào siết chặt hơn nữa hoạt động này, thưa ông?
* Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Đúng là tai nạn giao thông năm 2013 tiếp tục kiềm chế và giảm 3 tiêu chí nhưng vấn đề nổi lên là tai nạn nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến xe khách, xe tải nặng vẫn còn xảy ra. Khoảng 90% số vụ tai nạn nghiêm trọng lỗi trực tiếp là do người điều khiển phương tiện không chấp hành pháp luật, không chấp hành các quy định về an toàn. Nhưng, lỗi gián tiếp hay nói chính xác là gốc của vấn đề lại chính từ công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải còn rất nhiều lỗ hổng. Có những vấn đề văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nhưng các doanh nghiệp vì lợi nhuận đã không chấp hành, chính vì vậy áp lực lên người lái xe rất lớn. Tình trạng khoán trắng cho người lái xe từ doanh thu, đường đi... diễn ra phổ biến, là nguyên nhân khiến tai nạn diễn ra nhiều.
Để giải quyết được việc này phải có thời gian bởi các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý ở khoảng thời gian không phải là ngắn. Chính vì thế phải siết chặt từ từ, dần dần, theo nguyên tắc là siết chặt lại các hoạt động kinh doanh vận tải mà không làm ảnh hưởng lớn, không làm giảm các doanh thu cũng như tăng chi phí của các doanh nghiệp vận tải. Đây là bài toán cần phải giải để đảm bảo cả an toàn nhưng vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định lấy chủ đề Năm an toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe”.
Năm 2014, ngoài các hoạt động thường niên phải làm, sẽ tập trung nhiều vào các hoạt động siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe. Nhiều giải pháp đưa ra nhưng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tập trung vào các giải pháp chủ yếu, thứ nhất tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi bổ sung để các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải đi vào đúng khuôn khổ các quy định của pháp luật. Những quy định nào đã có mà không thực hiện sẽ dùng thanh tra kiểm tra, xử phạt để tiến hành.
Ví dụ, quy định các doanh nghiệp phải có bộ phận đảm bảo an toàn giao thông, nếu doanh nghiệp đó không có sẽ không cho kinh doanh vận tải, các lái xe phải có hợp đồng lao động, được trả lương tháng. Ngoài ra, Ủy ban sẽ đề ra những chủ trương, giải pháp mới, tăng cường tuần tra kiểm soát, trong đó, ngay đầu năm 2014 bắt buộc phải đưa trung tâm giám sát thiết bị quản lý hành trình vào hoạt động và dùng kết quả đầu ra của trung tâm để xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp. Quan điểm là gắn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với các vụ tai nạn giao thông chứ không thể chỉ có lái xe chịu trách nhiệm.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ nghiên cứu một số vấn đề bất cập hiện nay liên quan đến cách sắp xếp hành khách, các cung đường, đoạn đường, thời gian hoạt động của xe khách giường nằm, gắn trách nhiệm của các đơn vị xếp dỡ khi xe chở quá khổ, quá tải... Nhiều giải pháp sẽ đưa ra và triển khai đồng bộ trên cả nước.
* Phóng viên: Như vậy, năm 2013, mục tiêu Quốc hội đề ra là giảm từ 5% - 10% số người chết vì tai nạn giao thông đã không đạt được. Năm 2014, để đạt được cả 3 tiêu chí trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề ra những biện pháp gì, thưa ông?
*Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm 2014, nghị quyết của Quốc hội đề ra là kiềm chế và giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông. Năm 2012, bằng sự nỗ lực rất lớn của toàn xã hội, cả nước đã giảm sâu cả 3 tiêu chí và giảm 15% cho mỗi tiêu chí. Mức giảm đó bằng cả 3 năm cộng lại nếu mục tiêu là 5% cho một năm và như vậy, năm 2013, mặc dù được đánh giá là nỗ lực hơn rất nhiều nhưng số người chết mới giảm ở mức tuyệt đối là 58 người chết và giảm so với cùng kỳ tương đương với 0,58%, chưa phải là cao.
Năm 2014, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đặt ra mục tiêu là cố gắng giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông. Để đảm bảo tai nạn giao thông ở Việt Nam giảm và giảm một cách bền vững, có một điều chắc chắn là cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe theo chủ đề năm, tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm, các vi phạm giao thông đều được kiểm soát trong đó có việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại xử lý phạt nguội bằng camera.
Vấn đề thứ hai là cần tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia giao thông một cách an toàn, đây là mục tiêu vừa lâu dài, vừa trước mắt. Ngoài ra, trọng tâm 2014 sẽ tập trung nhiều vào gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp vận tải, các chủ kinh doanh trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông để vừa sớm thiết lập lại được trật tự kỷ cương trong kinh doanh vận tải, vừa đảm bảo được trật tự an toàn giao thông.
Chu Thanh Vân( thực hiện)