Theo thống kê của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30/5 có 178 xe ô tô của Việt kiều hồi hương (hầu hết được sản xuất năm 2011, 2012, 2013) làm thủ tục nhập khẩu (NK) không đáp ứng điều kiện về đối tượng, hồ sơ. Đây là vấn đề ngành hải quan đang “đau đầu” tìm cách tháo gỡ nhằm tránh để một số đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với Việt kiều hồi hương nhập khẩu xe ô tô trốn thuế.
Việc nhập khẩu xe của Việt kiều hồi hương phải đáp ứng nhiều điều kiện mới. Ảnh: baodatviet |
Số xe ô tô trên đang bị lưu giữ tại các cảng ở Việt Nam để chờ xử lý thuộc diện có đối tượng sở hữu không định cư ở nước ngoài; không đảm bảo về việc thường trú tại Việt Nam; không đảm bảo về hồ sơ cấp giấy phép NK.
Liên quan tới vấn đề này, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan- TCHQ) cho biết: Thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng trong quy định về đăng ký hộ khẩu thường trú để NK xe ô tô là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương, hưởng ưu đãi sai đối tượng, gian lận trốn thuế nhiều tỷ đồng. Trong hai năm qua, cả nước đã có trên 1.400 xe ô tô theo diện là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương được NK vào Việt Nam. Chỉ riêng năm 2012, lượng xe ô tô NK tăng mạnh, cá biệt tại một số địa phương, số ô tô thuộc diện này được NK tăng gấp 10 lần so với các năm trước.
Theo lãnh đạo Phòng Thu thập và Xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan (Phòng 2)- Cục Điều tra chống buôn lậu, lực lượng hải quan đã phát hiện hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với Việt kiều hồi hương theo quy định tại Điều 3, Thông tư 118/2009/TT-BTC: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương được NK một chiếc xe ô tô cá nhân đang sử dụng, được miễn thuế NK, được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Việc sửa đổi những bất cập trong văn bản pháp luật liên quan đến việc NK xe ô tô theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương là vấn đề cấp thiết. Những nội dung cần sửa đổi cần thống nhất với tiêu chí phải đảm bảo ưu đãi dành cho Việt kiều nhưng chặt chẽ trong công tác quản lý, tránh để các đối tượng lợi dụng “lách luật” trốn thuế, sử dụng xe sai mục đích.
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ) Nguyễn Anh Tuấn, những vấn đề cần làm rõ tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 118/2009/TT-BTC như: Xác định thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài? Quy định hộ gia đình hay cá nhân được phép NK xe ô tô? Điều kiện đối với xe ô tô NK; sau khi NK xe về nước nếu Việt kiều chuyển nhượng thì xử lý như thế nào?…
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC), Bộ Công an cho hay: Theo quy định hiện nay, trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam khi về nước được giải quyết thường trú. Vì vậy, thời gian qua đã có nhiều trường hợp chỉ cần có người ở xã, phường bảo lãnh nhập hộ khẩu, công an địa phương xác nhận là có thể nhập hộ khẩu sau đó làm thủ tục nhập xe. “Đây là con đường mà hàng trăm xe được đưa về Việt Nam nhưng không được sử dụng đúng mục đích”, cán bộ Cục Quản lý XNC nói.
Theo Cục Quản lý XNC, qua tra cứu cho thấy, rất nhiều Việt kiều đã đăng ký thường trú tại Việt Nam để nhập xe nhưng đều không ở Việt Nam. Mặc dù Thông tư 118 quy định Việt kiều hồi hương được phép NK xe đang sử dụng nhưng qua điều tra, xác minh cho thấy, 100% số xe NK theo đường hồi hương là xe mới có giá trị lớn.
Liên quan đến đối tượng được áp dụng chính sách này, ông Tuấn băn khoăn có nên áp dụng đối với hộ gia đình hay không? Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, việc xác định hộ gia đình là rất khó vì trên thực tế đã xảy ra nhiều tình huống khó xử lý. Cụ thể: Hộ gia đình tại nước định cư có thể có từ hai thành viên trở lên có quan hệ huyết thống, chung sống với nhau tại một địa chỉ; hoặc thành viên có quan hệ huyết thống, không chung sống với nhau mà cư trú tại địa chỉ khác địa chỉ của hộ gia đình tại cùng một nước định cư. Vì vậy, Thông tư cần quy định cụ thể hộ gia đình Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm vợ chồng và con trong gia đình.
PV