Xung quanh dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi của Bộ Xây dựng, nhất là quy định về sở hữu chung cư có thời hạn vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người dân còn “lăn tăn” với phương án sở hữu chung cư có thời hạn thì một số doanh nghiệp lại ủng hộ phương án này.
Người dân lo lắng
Chị Phan Khanh, ở Thanh Trì, Hà Nội đang có nhu cầu mua nhà chung cư tỏ ra băn khoăn khi nghe thông tin chung cư có thể bị giới hạn thời gian sở hữu. “Khi mua nhà ở, kể cả mua căn hộ chung cư thì tôi vẫn mong muốn được sở hữu lâu dài và sau này có thể để lại khối tài sản này cho con cháu. Nếu bây giờ có quy định nhà chung cư chỉ được sở hữu trong mấy chục năm như vậy thì ai dám mua nữa? Theo tôi, điều này là không phù hợp với tâm lý của dân mình”, chị Khanh nói.
Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Thời gian tới, những khu chung cư mới có thể sẽ có giới hạn thời gian sở hữu. |
Đồng quan điểm, chị Lê Thanh Bình (quận 10, TP Hồ Chí Minh), kế toán một công ty dược phẩm chia sẻ: “Nhu cầu về sở hữu bất động sản của người dân là rất lớn. Nhưng, không phải ai cũng có điều kiện để có thể mua được tài sản là đất nền. Vì thế, mua nhà chung cư với giá rẻ hơn là một giải pháp mà nhiều người lựa chọn để vừa có chỗ ở, vừa có tài sản thừa kế. Vì thế, nếu giới hạn về thời gian sở hữu chung cư thì nhiều người dân sẽ lo lắng khi về già họ sẽ không có tài sản để lại cho con cháu”.
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Phương án 1 sẽ không quy định thời hạn sở hữu; còn phương án 2 sẽ quy định thời hạn sở hữu. Theo phương án 2, dự thảo quy định, đối với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm. Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê. |
Trong khi đó, có người lại cho rằng phương án thời hạn sở hữu chung cư là hợp lý. Tuy nhiên, thời hạn sở hữu chung cư là bao nhiêu năm thì cần phải được tính toán kĩ càng. Theo ông Tô Thái, ở Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội: “Thời hạn sở hữu căn hộ chung cư chính là hạn sử dụng của chung cư đó. Khi hết hạn sở hữu chung cư, Nhà nước cần ưu tiên để người dân được góp vốn xây mới chung cư. Chủ đầu tư phải tái định cư cho người dân nếu muốn đầu tư xây mới chung cư đang hoạt động (tức là còn thời hạn sử dụng)”.
Tâm lý chung của người dân là an cư lạc nghiệp. Do vậy, đối với sở hữu chung cư có thời hạn, nhiều người dân cho rằng, chủ đầu tư và người mua nhà phải có điều kiện thỏa thuận rõ ràng. Chẳng hạn, chủ đầu tư cần phải có cam kết rõ ràng với người mua nhà về các điều khoản khi hết thời hạn sở hữu nhà. Trong trường hợp người dân chưa tìm được nơi ở mới hoặc có nhu cầu tiếp tục ở thì hướng xử lí ra sao…
Doanh nghiệp kì vọng
Khác với sự lo lắng của người dân, các doanh nghiệp bất động sản lại khá lạc quan cho rằng, nếu phương án này được áp dụng, giá của những căn hộ sở hữu có thời hạn sẽ thấp đi nhiều do giá trị của đất không bị phân bổ vào giá thành sản phẩm. Như vậy, thị trường sẽ có thêm một phân khúc mới hấp dẫn để người dân xem xét lựa chọn.
Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Kinh doanh và Phát triển Nhà Bình Dân có chút lo ngại khách hàng sẽ không thích loại hình căn hộ này, bởi tâm lý của người Việt Nam thích sở hữu nhà đất lâu dài để có thể cho con cháu được hưởng thừa kế. Nhưng ông Tú cũng khá lạc quan: “Trong giai đoạn đầu, giao dịch có thể khựng lại vì khách hàng chưa quen hình thức sở hữu nhà có thời hạn. Tuy nhiên, khi điều này trở thành phổ biến trong xã hội, người ta sẽ quen dần và chấp nhận được”, ông Tú nhận định.
Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, việc quy định sở hữu căn hộ có thời hạn sẽ đáp ứng được yêu cầu chỉnh trang bộ mặt đô thị khi chung cư hết tuổi thọ, cần phải tháo dỡ. Theo đó, Nhà nước sẽ dễ dàng giải tỏa nhà mà không quá nặng nề khâu đền bù, giải phóng mặt bằng như hiện nay.
TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, ĐH Kinh tế quốc dân cho đây là một dấu hiệu tích cực nhằm làm thị trường ấm lên. Sau này, người dân sẽ không còn quá nặng nề vấn đề nhà cửa nên sẽ có nhiều người chọn mua loại nhà này do giá nhà thấp hơn “mua đứt” căn hộ. Tuy nhiên, TS Ngọc cũng quan tâm đến việc cần có cơ chế đi kèm. “Mọi thứ sau 70 năm phải rất rõ ràng. Liệu có đuổi người ta ra đường không”, TS Ngọc nói.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay những nội dung trong dự thảo mới là đề xuất của tổ biên tập. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, tổ biên tập sẽ chỉnh sửa trước khi báo cáo ban soạn thảo để Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét.
Bài và ảnh: Hoàng Dương