Sợ lộ danh tính, người nhiễm HIV “chê” BHYT

Sợ thủ tục kê khai khi mua thẻ BHYT, sợ xếp hàng đông khi khám chữa bệnh, sợ nhất là gặp người quen trong những lần đi khám rồi thì chẳng chóng thì chầy cũng lộ danh tính... Đó là hàng loạt lý do khiến người nhiễm HIV chưa mặn mà với việc tham gia BHYT.

"Một cán bộ truyền thông của Bộ Y tế đã khẳng định với tôi rằng, lo lắng bị lộ danh tính của người nhiễm HIV khi tham gia khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT là hoàn toàn không có cơ sở. Trên thẻ BHYT, mọi thông tin của người tham gia là như nhau, chỉ có cán bộ y tế và nhân viên BHYT biết rõ về bệnh tình bệnh nhân... Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy”, anh Trần Văn Hà, Chủ nhiệm CLB Hoa Sen, Hải Phòng, lo lắng nói.


Theo anh Hà, sự kỳ thị hiện vẫn khá nặng nề trong cộng đồng, đó là vẫn có người nhiễm HIV bị mất việc làm, vẫn có những em bé không thể xin học vì bị nhiễm HIV... Thậm chí, sự kỳ thị còn hiện hữu ở ngay trong bệnh viện, nơi anh Hà và nhiều thành viên khác của CLB Hoa Sen vẫn đi lấy máu định kỳ 6 - 7 tháng/lần. Cụ thể, tại khu vực lấy máu có tới 2 phòng cùng chức năng, trong đó 1 phòng để lấy máu riêng cho bệnh nhân HIV.

Nhân viên y tế xét nghiệm cho người nhiễm HIV. Ảnh:Dương Ngọc/TTXVN

Một bạn nhiễm HIV đi cùng anh Hà (giấu tên) chia sẻ, cho đến nay, tháng nào người nhiễm HIV cũng đến bệnh viện hoặc trung tâm HIV để nhận thuốc ARV miễn phí (do tổ chức quốc tế tài trợ). Việc khám, lấy thuốc, xét nghiệm... đều rất nhanh, thuận tiện vì không phải xếp hàng. Do đó, nếu tới đây, nếu việc nhận thuốc ARV mỗi tháng chuyển đổi, do quỹ BHYT chi trả, người nhiễm HIV rất sợ cảnh xếp hàng để chờ đến lượt khám chữa bệnh.


“Tháng nào cũng đến bệnh viện khám, cùng chờ đợi lấy số giữa bao nhiêu người, tháng nào cũng vào phòng khám lây hoặc bệnh truyền nhiễm, cái mặt cứ chường ra trong khi đã có sẵn “án” thì trước sau gì cũng lộ chuyện nhiễm HIV mà chúng tôi vẫn giấu nhẹm bấy lâu. Trong CLB của tôi, không ít người có thẻ BHYT nhưng không bao giờ sử dụng, nói chi đến chuyện chủ động mua thẻ BHYT”, bạn nữ nhiễm HIV giấu tên chia sẻ.


Trao đổi về vấn đề này ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cũng cho hay: “Đúng là khi tham gia BHYT, nhiều người nhiễm HIV sợ bị lộ danh tính vì phải kê khai, phải thông tin đúng tên, đúng người... Một số người không có chỗ ở cố định còn sợ việc khai báo nhân thân sẽ gặp “phiền phức” với chính quyền ở nơi tạm trú mới...”.


Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%. Để người nhiễm HIV thoát ra khỏi những nỗi sợ về BHYT và tham gia BHYT nhiều hơn, tới đây, ngành BHXH VN và Bộ Y tế sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người bệnh, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng, cách thức tham gia và quyền lợi khi tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, sẽ tiến hành tập huấn cho cán bộ trực thuộc về triển khai chống kỳ thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh.


“Về phía cơ quan BHXH cũng đã có giải pháp để đảm bảo bí mật danh tính cho người bệnh, chúng tôi chỉ vào cốt mã bệnh chứ không ghi rõ bệnh tật của từng người. Vì vậy, đúng là chỉ có cán bộ y tế và bảo hiểm là biết rõ người bệnh mắc bệnh gì”, ông Phúc khẳng định.


Đại diện BHXH VN cũng cho biết, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, hướng tới đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT như chỉ đạo của Chính phủ , cơ quan chức năng cùng các địa phương đã thống nhất cho phép người nhiễm HIV lấy mã kê khai danh sách của hộ gia đình để mua thẻ BHYT trước, các thành viên còn lại sẽ mua thẻ BHYT sau. Đồng thời, chủ trương tìm nguồn kinh phí hỗ trợ để người bệnh không phải đồng chi trả chi phí thuốc điều trị thuốc ARV...


Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, khi nguồn lực quốc tế cắt giảm, nếu người nhiễm HIV không tham gia BHYT thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn tài chính. Như vậy, dễ dẫn đến việc bỏ thuốc điều trị ARV và tình trạng kháng thuốc, đưa đến hệ lụy hết sức nguy hiểm là xuất hiện chủng kháng thuốc HIV/AIDS trong cộng đồng. Khi đó, công tác điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém đối với người bệnh và xã hội. Do đó, Bộ Y tế đã xác định BHYTlà giải pháp thay thế chính cho điều trị HIV/AIDS khi nguồn lực quốc tế cắt giảm. Tuy nhiên, người nhiễm HIV cũng cần hiểu rõ thực tế này để chủ động tham gia BHYT, đảm bảo duy trì điều trị sau khi nguồn lực quốc tế cắt giảm.

Phương Liên
Nỗ lực chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030
Nỗ lực chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Để hoàn thành mục tiêu này, một trong những biện pháp được đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN