Ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Theo Bộ LĐTBXH, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao, đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến hết tháng 4 và đầu tháng 5/2020. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới cuối tháng 6/2010, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi COVID-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý I và 279.000 đồng so với cùng kỳ) năm 2019. Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết: Những tác động của dịch COVID-19 tới thị trường lao động, việc làm khá nặng nề. Cụ thể như các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm dừng hết các chuyến bay, hơn 98% người lao động nghỉ việc. Hiện nay, các hãng hàng không đã khôi phục lại hơn 500 chuyến/ngày và khoảng 70% số lao động đã đi làm trở lại. Tuy nhiên, trước tác động của dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, nên nguy cơ lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng dịp cuối năm. Bình quân hàng năm, có khoảng 80.000-90.000 lao động quay trở lại thị trường lao động hàng tháng, nhưng nay chỉ có khoảng 40.000-50.000 lao động quay trở lại thị trường lao động. Số người thất nghiệp, mất việc thời gian qua tập trung tại doanh nghiệp vừa và nhỏ và dự báo thời gian tới sẽ tác động đến những doanh nghiệp lớn.
“Do đó, trong những tháng cuối năm, Bộ LĐTBXH và các địa phương sớm hoạch định chính sách, chương trình quốc gia liên quan đến thị trường lao động, việc làm để ổn định thị trường lao động; trong đó có chính sách vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho người lao động, mở rộng tiêu chí cho vay”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động; chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.
Các địa phương cũng chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ trong trường hợp lao động bị sa thải với số lượng lớn do tác động kéo dài của dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh tiếp tục đình trệ do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, phương thức kinh doanh của các ngành thương mại điện tử, du lịch nội địa, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển - giao nhận… thay đổi cũng như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.