Tình trạng này khiến nhà chức trách lo ngại về việc số lượng tu nghiệp sinh nước ngoài bỏ trốn thực chất là nguồn nhân lực giá rẻ cho thị trường lao động chợ đen tại nước này.
Theo báo cáo trên, Trung Quốc là nước có số tu nghiệp sinh bỏ trốn cao nhất, với 3.116 người. Việt Nam đứng thứ 2, với 1.705 người. Tiếp đó là Myanmar (336 người), Indonesia (250 người) và Nepal (102 người).
Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết cùng với việc chương trình tu nghiệp sinh được mở rộng, số tu nghiệp sinh bỏ trốn đã tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, từ 1.534 người trong năm 2011, lên 2.005 người trong năm 2012 và 3.566 người trong năm 2013. Năm 2014, số tu nghiệp sinh bỏ trốn là 4.847 người, trong đó số tu nghiệp sinh Trung Quốc bỏ trốn lần đầu tiên lên tới 3.000 người.
Bộ Tư pháp Nhật Bản đánh giá tình hình này là nghiêm trọng và đang tiến hành những biện pháp để giải quyết thực trạng trên. Hiện Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình tu nghiệp sinh trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già hóa và giảm mạnh.
Tuần trước, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua 2 dự luật liên quan đến lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng bóc lột, lạm dụng tu nghiệp sinh và mở rộng phạm vi chương trình tu nghiệp sinh sang lĩnh vực tuyển người chăm sóc tại nhà. Các phiên thảo luận tại Thượng viện liên quan đến 2 dự luật trên cũng sẽ được khởi động trong tuần này. Một trong 2 dự luật này có điều khoản quy định tịch thu ngay lập tức visa của các tu nghiệp sinh vắng mặt không có lý do.
Trên thực tế, các tu nghiệp sinh nước ngoài thường làm việc trong các ngành mà lao động Nhật Bản thường không muốn làm, hầu hết là các công việc liên quan đến yêu cầu sức khỏe như xây dựng, kim loại hay chế biến thực phẩm. Thống kê cho thấy đã có 192.000 người nước ngoài đến Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh trong năm 2015.
Báo Sankei Shimbun dẫn lời các nhà thầu Trung Quốc giấu tên tại Nhật Bản cho biết những tu nghiệp sinh Trung Quốc bỏ trốn được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phục vụ khách Trung Quốc đại lục tuyển dụng, thường làm việc cho các tour du lịch trái phép hoặc nhân viên tại các nhà nghỉ được thuê để phục vụ du khách ngắn hạn.
Ông Ippei Torri, Chủ tịch mạng lưới đoàn kết với người nhập cư tại Nhật Bản - một tổ chức bênh vực lao động nhập cư, cho biết tình trạng tăng số tu nghiệp sinh bỏ trốn phản ánh thực tế số tu nghiệp sinh đang tăng lên và hệ thống này đang tiếp tục bị lợi dụng để cung cấp nguồn lao động giá rẻ cho các doanh nghiệp Nhật Bản.