Đồng thời, sẽ sớm đề xuất, đưa ra giải pháp nhằm giảm thiệt hại, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân vùng sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn, nhất là trong thời điểm tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang bước vào đầu mùa mưa.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kế Sách, từ đầu năm đến nay, địa bàn đã ghi nhận 11 đoạn bị sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn với chiều dài trên 470m. Đến nay, huyện đã xử lý sạt lở được 3 đoạn, còn lại 7 đoạn, chiều dài trên 370m do chưa bố trí được nguồn vốn khắc phục.
Cũng trong năm 2021, địa bàn huyện Kế Sách xảy ra sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn 54 đoạn với chiều dài hơn 1.500m, đã khắc phục được 29 đoạn, tương đương gần 1.000m và đang tiếp tục đề xuất các phương án khắc phục sạt lở các đoạn còn lại. Sạt lở đê cồn có 19 đoạn với chiều dài hơn 1.000m, hiện đã khắc phục xong.
Kế Sách là một trong những địa phương của tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông do địa phương này có hệ thống kênh, rạch chằng chịt và có nhiều địa bàn nằm ven sông Hậu. Những năm gần đây, trước tác động ngày càng nhanh, mạnh của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn huyện diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng... trên địa bàn tỉnh xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa, lũ, triều cường, tại các khu vực ven sông Hậu và các địa phương của huyện Kế Sách.
Về định hướng lâu dài, cần có các đơn vị chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát tình hình thực tế sạt lở để có những giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo cuộc sống và sinh kế của người dân tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở.
Mới đây (vào tháng cuối 4/2022), Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Cụ thể là khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1 huyện Cù Lao Dung.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục khẩn cấp sạt lở để theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông, khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở. Vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác đối với các nhà có nguy cơ sập, lún. Các nhà liền kề khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm.
Trước đó, vào năm 2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.
Các đoạn bờ sông sạt lở nguy hiểm khẩn cấp, gồm: kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên; bờ sông rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt, xã Hậu Thạnh thuộc huyện Long Phú.
Các đoạn sạt lở bờ sông Hậu, khu dân cư Xóm Đáy, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung. Sạt lở bờ sông Mỹ Thanh, khu vực ấp Phạm Kiểu, hạ lưu cống Vàm Trà Nho, ấp Tân Tĩnh, xã Vĩnh Hiệp thuộc thị xã Vĩnh Châu.
Trên địa bàn huyện Kế Sách, các đoạn sạt lở bờ sông Cái Côn, xã Thuận Hòa; kênh An Mỹ, xã Nhơn Mỹ; kênh số 1, xã Ba Trinh, Kế An và Kế Thành; rạch Vọp thuộc xã Trinh Phú và bờ sông Hậu thuộc xã An Lạc Tây...
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn chỉ mang tính khắc phục tạm thời, vì xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó. Về lâu dài, tỉnh cần được các nhà khoa học nghiên cứu để có giải pháp thích ứng tối ưu; đồng thời, nguồn kinh phí để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông là rất lớn và cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí trung ương để thực hiện.
Cùng đó là tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn kênh, sông dễ bị sạt lở để tránh thiệt hại về người và tài sản; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư, dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, cần quan tâm đến việc sắp xếp, di dời dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.