Sớm chấn chỉnh công tác phòng chống cháy nổ của Thủ đô

Liên tiếp những ngày vừa qua, tại Hà Nội xảy ra các vụ cháy nổ lớn, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ cháy tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo ngày 3/6. Dù không gây thiệt hại về người, nhưng với mức thiệt hại uớc tính lên tới vài tỷ đồng, cùng với việc nhiều bất cập bộc lộ trong công tác chữa cháy tại cây xăng này, cho thấy đã đến lúc Hà Nội phải nghiêm túc xem xét lại công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cũng như việc quy hoạch những cây xăng để đảm bảo an toàn cho người dân.

 

Thiếu nhiều phương tiện


Phải sau hơn 5 giờ đồng hồ với hàng trăm lượt xe chữa cháy được huy động, lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội mới khống chế được ngọn lửa cháy xe bồn chở xăng tại cây xăng 2B phố Trần Hưng Đạo. Ghi nhận những nỗ lực và sự quả cảm của những chiến sĩ PCCC, song rõ ràng cũng phải thừa nhận, công tác PCCC của Hà Nội đã bộc lộ những nhược điểm về trang thiết bị, về các phương án chữa cháy...


Vụ hỏa hoạn tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo đã đặt ra vấn đề phải quy hoạch lại hệ thống các cây xăng trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Ông Hùng, người nhà một bệnh nhân tại Viện Quân y 108, đối diện cây xăng bị cháy, cho biết: "Nhiều chiến sĩ PCCC còn rất trẻ nhưng rất dũng cảm, họ đã tìm mọi cách để dập lửa nhưng phương tiện thiếu thốn nên hiệu quả dập lửa chưa cao”. Đó cũng là băn khoăn và lo lắng của rất nhiều người dân khi chứng kiến vụ cháy vừa qua. Nhiều người còn đặt vấn đề: Tuy vụ cháy này khá nghiêm trọng, nhưng cũng chỉ mới là một vụ cháy quy mô nhỏ. Vậy nếu trong trường hợp có những vụ việc lớn hơn, thì liệu công tác phòng cháy chữa cháy của Hà Nội có đảm bảo?


Theo Quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố đến năm 2015, Hà Nội dự kiến xóa bỏ, giải tỏa 10 cửa hàng trước ngày 30/12/2014; đến năm 2015 di dời theo dự án khác 45 cửa hàng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở PCCC Hà Nội, cho biết: "Chữa cháy xăng dầu là khó nhất. Trong trường hợp chữa cháy xe chở xăng tại cây xăng 2B phố Trần Hưng Đạo, chúng tôi đã dùng tất cả các loại bọt, khí CO2 hiện có trong kho, sử dụng cả công nghệ chứa cháy hiện đại của Pháp là 1-7 (tức là 1 giọt nước tạo thành 7 hạt bọt foam), tổng cộng khoảng 20 tấn hóa chất đã được sử dụng để chữa cháy. Thậm chí chúng tôi cũng liên hệ tới bộ đội hóa học để tư vấn có loại hóa chất nào có thể giúp dập lửa cháy bồn xăng, nhưng được trả lời không có. Sau đó, chúng tôi cũng đã áp dụng chiến thuật đổ cát bao vây và dập lửa”.


Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cũng thừa nhận, đợt chữa cháy cây xăng vừa qua đã bộc lộ những thiếu thốn trong trang thiết bị cho lính cứu hỏa Hà Nội. Thiếu tướng cho biết: “Việc thiếu thốn trang bị cho lực lượng đang cản trở rất nhiều cho lực lượng PCCC. Tất cả lực lượng PCCC thủ đô chỉ có 50 bộ áo cách nhiệt, mỗi bộ trị giá 300 triệu đồng, được chia đều cho các đội chữa cháy. Khó khăn trong trang thiết bị của cảnh sát PCCC là vấn đề kinh phí, bởi các bộ áo cách nhiệt đều phải nhập khẩu với giá rất đắt, do chưa sản xuất được trong nước. Ngay như hóa chất bọt khí, mỗi lít giá cũng lên tới hàng chục USD, rồi mặt nạ phòng khói độc, xe thang cứu hỏa chuyên dụng… Vì vậy, có lần như lần cháy tòa nhà điện lực năm 2012, nhiều lính cứu hỏa cũng chỉ thấm khăn ướt bịt mũi đi vào chữa cháy, được một lúc phải ra vì khói sặc sụa; bởi mua mặt nạ chữa cháy rất đắt và chỉ dùng được một lần. Chưa kể việc thiếu cả xe chữa cháy. Nhiều lần chữa cháy trước đây, chúng tôi đã phải huy động xe của bên môi trường để tiếp nước”.

 

Bất cập trong quy hoạch


“Kinh phí trang bị cho lực lượng cảnh sát PCCC từ 2 nguồn: Nguồn thứ nhất của Bộ Công an chủ yếu chi trả cho lực lượng và trang thiết bị thiết yếu. Nguồn thứ hai là từ ngân sách thành phố. Năm vừa qua, lực lượng PCCC Thủ đô được chi 30 tỷ đồng để trang bị xe thang và một số công nghệ chữa cháy mới”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi

Vụ cháy cây xăng 2B phố Trần Hưng Đạo cũng một lần nữa cho thấy việc thực hiện quy hoạch các điểm bán xăng dầu còn nhiều bất cập.Tuy nhiên, xem ra đây không phải là vấn đề "mới" với những nhà quản lý của Hà Nội, mà dường như là một "tồn tại" quá lâu, chưa được khắc phục.


“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội rà soát hệ thống cây xăng trên địa bàn, đã phát hiện nhiều bất cập như cây xăng gần khu dân cư, ven đường. Thực tế quy định về kinh doanh xăng dầu đã có, nhưng việc chấp hành đúng quy định này chưa nghiêm túc. Năm 2012, chúng tôi đã kiểm tra 129 cây xăng, xử lý 117 vụ vi phạm, phạt tiền 300 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kiểm tra 28 trường hợp, xử phạt 100 triệu đồng”, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho biết.


Theo Thiếu tướng Nghi, vi phạm phổ biến nhất là về khoảng cách an toàn. Tại quận Hoàn Kiếm hiện có 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Theo quy định, khoảng cách an toàn giữa cửa hàng này với các công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm 50 m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ 100 m. Tuy nhiên, đa số các cửa hàng này đều không đảm bảo về khoảng cách.
Vi phạm thì ai cũng thấy rõ, tuy nhiên, có lẽ chính việc xử lý không nghiêm đã dẫn tới tình trạng "đâu hoàn đó" của các cây xăng hiện nay của Hà Nội.

 

Theo ông Nguyễn Đức Nghi, trước năm 2011, khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, đã có nhiều quy định theo từng giai đoạn về quy chuẩn cây xăng và việc xử lý căn cứ vào những quy định này. "Đây là vấn đề lịch sử để lại nên cũng phải tiến hành xem xét. Nếu theo quy chuẩn hiện nay thì nhiều cây xăng ở nội thành Hà Nội không đủ điều kiện. Quỹ đất khó khăn trong khi phương tiện cá nhân lưu thông lớn. Do đó, chúng tôi cũng phải xem xét tính hợp lý vì không thể để người dân ở Hoàn Kiếm sang tận Gia Lâm mua xăng. Vấn đề là các chủ cây xăng ý thức an toàn phòng chống cháy nổ, đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết.

 

Sau sự vụ cháy cây xăng 2B phố Trần Hưng Đạo, về mặt chuyên môn, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong việc chữa cháy xăng dầu để phòng ngừa cũng như xử lý cho hiệu quả nhanh nhất. Bên cạnh đó, Sở Cảnh sát PCCC và Sở Công Thương sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đưa ra danh mục kiến nghị. Về cấp quản lý, Sở Công Thương sẽ trình UBND thành phố để sớm được thông qua. Qua vụ cháy này cho thấy, vấn đề an toàn tại các cây xăng cần đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn", Thiếu tướng Nghi nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải rà soát lại quy hoạch các điểm mua bán, đại lý xăng dầu

 

Vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo xảy ra nghiêm trọng trong khu dân cư đông đúc, nhiều cơ sở bệnh viện, doanh trại quân đội dân cư. Tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, báo cáo rõ nguyên nhân, quy định rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên.

 

Sau sự cố cháy cây xăng vừa qua, chúng ta cần phải triển khai ngay những vấn đề sau: Thứ nhất, cơ quan chức năng phải rà soát lại quy hoạch của các điểm mua bán, đại lý xăng dầu, tổng kho xăng dầu, nhất là ở địa bàn thành phố, khu dân cư, nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cư dân. Đây là một việc vô cùng quan trọng. Tiêu chí về quy hoạch một điểm bán, đại lý xăng dầu đều đã được quy định rõ.

 

Thứ hai, phải rà soát lại tiêu chuẩn an toàn để phòng hộ tại chỗ, trên tinh thần chủ động và được trang bị cần thiết khi cháy nổ xảy ra. Tất cả cán bộ, nhân viên liên quan đến công việc xăng dầu đều thực hiện đúng quy định của Nhà nước về phòng cháy để chủ động trong mọi tình huống. Điểm bán xăng, kho xăng trong thành phố nhất là điểm dân cư đông đúc phải đảm bảo tuyệt đối cho nguời dân; đồng thời phải rà soát bổ sung quy hoạch PCCC kịp thời hơn khi có tình hình bất cập xảy ra.

 

Thứ ba, cần có trang bị PCCC cần thiết của từng điểm để ứng phó kịp thời, chứ không để bị động như tình trạng vừa qua.

 

Ông Phan Đăng Long - Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội: Dần hoàn thiện tiêu chí an toàn

 

Kinh phí trang bị cho lực lượng cảnh sát PCCC phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, ngân sách của địa phương. Hiện tại, ngân sách của UBND thành phố Hà Nội đang phải phân chia cho nhiều vấn đề đầu tư phát triển, đời sống, anh sinh xã hội.

 

Tình trạng khu dân cư bố trí xen kẽ nhau với cây xăng đã tồn tại một quá trình dài từ trước đến nay, và chưa có quy chuẩn nào cả. Chúng ta vẫn chỉ đang từng bước khắc phục vấn đề "lịch sử để lại". Trong những năm gần đây, thành phố đã đưa ra các tiêu chí về quy hoạch cây xăng và đang dần hoàn thiện.

 

Ông Phạm Văn Quang, cán bộ hưu trí thị trấn Cầu Diễn: Xử phạt nặng hành vi thiếu ý thức

 

Ý thức của nhiều người dân về an toàn phòng chống cháy nổ ở cây xăng rất kém. Đơn cử như việc cấm không nghe điện thoại ở cây xăng, nhưng thực tế vẫn rất nhiều người đang đổ xăng vẫn nghe điện thoại.

 

Nhiều lái xe ô tô đổ xăng dầu nhưng không tắt máy. Dù vi phạm vậy nhưng chỉ có nhân viên cây xăng nhắc nhở và theo tôi được biết thì chưa có trường hợp nào bị phạt.

 

Do đó lực lượng chức năng cần xử phạt hành vi thiếu ý thức này, vì có quy định mà không xử lý thì sẽ "nhờn" luật .

 

Phòng VHTT thực hiện

Kiên quyết rút phép cây xăng không đủ điều kiện
Kiên quyết rút phép cây xăng không đủ điều kiện

Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương khẩn trương, nghiêm túc rà soát quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, qua đó phát hiện, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đầu mối đối với các cửa hàng vi phạm, kiên quyết loại bỏ những cửa hàng không nằm trong quy hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN