Sơn La: Tăng cường quản lý các cơ sở sơ chế cà phê ở Mai Sơn

Mai Sơn là một trong những huyện có diện tích trồng cây cà phê lớn tại tỉnh Sơn La. Hàng năm, khi vào vụ thu hoạch tình trạng xả nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê, gây ô nhiễm môi trường lại tái diễn. Trước thực trạng đó, huyện Mai Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này.

Tái diễn tình trạng xả thải ra môi trường

Chú thích ảnh
Dòng suối chảy qua khu vực sinh sống của người dân bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn chuyển màu đen do nước thải từ sơ chế cà phê. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Hơn một tuần nay, người dân sinh sống tại các bản Củ 2, Củ 3, Huổi Khoang, xã Chiềng Ban nhận thấy sự bất thường của dòng suối chảy qua địa bàn. Dòng nước của suối trước đó vốn trong, không mùi nhưng từ đầu tháng 9/2021 đã bắt đầu chuyển dần sang màu đen và có mùi hôi, khó chịu. Những hộ dân sinh sống cạnh suối chịu ảnh hưởng nhiều nhất, ngoài mùi hôi thì các giếng khoan, giếng đào của các hộ cũng bị ảnh hưởng.

Anh Tòng Văn Bình, bản Củ 3 chia sẻ, những ngày gần đây dòng suối chảy qua khu vực gần nhà anh bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Không những thế, nguồn nước tại các giếng đào, giếng khoan cũng bị ảnh hưởng, không sử dụng được. Gia đình anh phải sử dụng nguồn nước lấy từ trên đồi xuống.

Dòng suối chảy qua các bản Củ 2, Củ 3, Huổi Khoang, xã Chiềng Ban dài khoảng 2km. Ngoài đoạn chảy qua khu dân cư, dòng suối này còn chảy qua khu vực trồng lúa và là nguồn nước chính trong sản xuất nông nghiệp ở đây.

Ông Lò Văn Dược, Trưởng bản Huổi Khoang cho hay từ đầu tháng 9 đến nay dòng suối chuyển màu bản đen bởi nước thải của cà phê. Ngoài mùi hôi, nước thải cà phê còn ngấm xuống mạch nước ngầm. Do người dân phần lớn dùng nước giếng khoan, giếng đào nên ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Không những thế, dù nhận thấy nguồn nước bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải tưới cho ruộng lúa vì không còn nguồn nước khác. Vì vậy người dân rất lo lắng về năng suất, chất lượng của cây lúa.

Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn hiện có 1.250ha cà phê, sản lượng dự tính trong niên vụ 2021 – 2022 khoảng 30.000 tấn quả tươi. Tại đây, hiện có trên 40 hộ đăng ký kinh doanh sơ chế cà phê và 295 hộ dân sơ chế cà phê theo hình thức nhỏ lẻ. Nhưng hiện mới có hộ thực hiện đào hố và lót bạt HDPE chống thấm để chứa nước thải. Đây là nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm nước thải cà phê.

Ông Lò Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban cho biết, hiện nay mới vào đầu vụ sơ chế cà phê, một số hộ dân sản xuất nhỏ lẻ vẫn xả thải ra môi trường. Xã đang triển khai để các h ký cam kết và đảm bảo đào hố lót bạt, không xả thải ra môi trường. Xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Hoàng Thị Hồng, trên địa bàn mới có 2 nhà máy đủ điều kiện hoạt động nhưng công suất không thể đáp ứng được. Do đó, các hộ dân đã sử dụng máy móc tự chế để sơ chế cà phê nên khó xác định được quy mô, công suất dẫn đến khó xác định hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sơ chế quả cà phê tươi đạt quy chuẩn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mặt bằng rộng.

Tăng cường quản lý các cơ sở sơ chế cà phê

Chú thích ảnh
Khu vực xử lý nước thải từ sơ chế cà phê ở huyện Mai Sơn. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Để quản lý các cơ sở sơ chế cà phê trên địa bàn, huyện Mai Sơn đã yêu cầu các hộ dân phải có hệ thống chứa nước thải đạt yêu cầu hoặc không sơ chế mà bán trực tiếp cho các cơ sở để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Xưởng sơ chế cà phê của gia đình ông Lò Văn Nghĩa ở bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban là một trong những cơ sở lớn tại huyện Mai Sơn. Vụ cà phê năm nay, cơ sở này dự kiến sẽ sơ chế khoảng 1.000 tấn quả cà phê của gia đình và thu mua từ các hộ dân khác. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ông Nghĩa đã triển khai nhiều giải pháp theo yêu cầu của huyện Mai Sơn.

Ông Lò Văn Nghĩa cho biết, để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, gia đình ông đã đầu tư hệ thống máy móc và các bể chứa nước thải. Trước đây, với máy móc tự chế, để sơ chế 1 tấn quả cà phê cần khoảng 3m3 nước, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 0,7m3. Gia đình ông còn đầu tư xây dựng 3 bể chứa, thu gom nước thải được lót bạt HDPE với tổng dung tích 3.500m3. Nước thải và vỏ cà phê sau khi thu gom vào bể chứa sẽ được xử lý bằng men vi sinh, sau một thời gian sẽ tái sử dụng để tưới và bón cho cây cà phê.

Xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn có gần 450 ha cây cà phê, sản lượng dự kiến 4.500 tấn. Tuy nhiên tại địa phương này không có các cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ nên không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh chia sẻ, mặc dù sản lượng cà phê tương đối lớn, nhưng xã đã vận động người dân không sơ chế nhỏ lẻ. Thay vào đó, sẽ bán trực tiếp cho hợp tác xã có hệ thống sơ chế cà phê đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường đóng trên địa bàn. Hợp tác xã này cũng cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng cà phê của người dân trên địa bàn xã. Do đó, người dân được đảm bảo đầu ra và không cần phải tự sơ chế gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, huyện Mai Sơn có hơn 90 hộ đăng ký kinh doanh hoạt động sơ chế cà phê trong niên vụ 2021 - 2022. Đến nay, đã có gần 40 hộ lắp đặt camera giám sát; 30 hộ đào hố lót bạt HDPE chống thấm.

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, huyện tiếp tục triển khai ký cam kết với các chủ cơ sở, hộ gia đình có hoạt động sơ chế cà phê; hướng dẫn các hộ dân thực hiện các thủ tục về môi trường, xây dựng công trình xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm trong quá trình sơ chế quả cà phê. Đồng thời, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở sơ chế, dừng hoạt động những hộ chưa có giải pháp xử lý nước thải; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình sơ chế cà phê khi chưa có các công trình thu gom, xử lý nước thải.

Hữu Quyết (TTXVN)
Phú Yên xử phạt 457 triệu đồng doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường
Phú Yên xử phạt 457 triệu đồng doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường

Ngày 28/7, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo đã ký Quyết định số 1013 xử phạt vi phạm hành chính 457 triệu đồng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại và Vận tải Trí Huệ (Công ty Trí Huệ), địa chỉ tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, vì đã vi phạm việc giám sát chất thải định kỳ không đúng; xả nước thải nuôi tôm ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN