Càng gần Tết, chị T.B.Hằng (Trung Kính, Hà Nội) càng lo ngay ngáy. Cuối năm, công việc nhiều, suốt ngày hai vợ chồng lo đối nội, đối ngoại, hầu như hôm nào cũng về khuya. Con nhỏ, luôn cần người đưa đón, cho ăn những khi vợ chồng chị bận rộn. Vậy mà cô giúp việc thông báo: 25 Tết nghỉ, ra riêng thì mồng 10 mới từ quê lên.
Gần chục triệu đồng cho đợt nghỉ TếtNhớ lại cảnh bận bịu của ngày Tết năm ngoái, năm nay, chị Hằng đôn đáo tìm người giúp việc từ rất sớm kẻo “không còn người mà thuê”.
Tại trung tâm môi giới người giúp việc trên phố Hoàng Đạo Thúy, chị Hằng phát ngốt khi thấy lũ lượt người tới hỏi, đặt cọc, ký hợp đồng thuê người làm ngày Tết. Vì đông người có nhu cầu, nên chi phí cho dịch vụ này không hề rẻ. Trong khi giúp việc thông thường là 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, thì giá giúp việc cho đợt Tết này là 500.000 - 600.000 đồng/ngày, chưa kể phí dịch vụ môi giới phải trả cho trung tâm là 800.000 đồng/hợp đồng.
Chi phí trả cho giúp việc Tết rất đắt đỏ. |
“Tính ra 15 ngày Tết, tôi phải chi tới 8,3 triệu đồng. Nhưng đành “cắn răng” thôi. Bớt mua sắm, bớt khoản này khoản kia, không thì mệt mỏi lắm”, chị Hằng chia sẻ.
Tại một số bệnh viện như Lão khoa, Bạch Mai, Hữu Nghị..., nơi mà giá thuê người chăm sóc người ốm ngày thường đã là 250.000 - 300.000 đồng/ngày, thì những ngày Tết, mức lương không chỉ tăng lên gấp đôi, mà kể cả “mừng tuổi”, dự kiến cũng tròm trèm 700.000 - 750.000 đồng/ngày. “Vậy mà còn phải cậy cục mãi mới tìm được người. Tâm lý những người giúp ở các bệnh viện là muốn về quê “xả hơi” sau một năm vất vả và thu nhập cũng đã kha khá” - chị T.H, có người nhà điều trị dài ngày tại Bệnh viện Quân đội 108 cho biết. Trong khi đó, ai cũng bận bịu việc nhà, việc cơ quan. Có nhà neo, vợ chồng luân phiên xin nghỉ làm để trông người ốm.
“Cung” không đủ “cầu”Chị Loan, nhân viên kinh doanh của Trung tâm giúp việc gia đình cho biết: Việc phân ra các gói dịch vụ cho thuê người giúp việc tùy thuộc vào từng trung tâm. Có trung tâm chia thành các gói, cơ bản, tầm trung và cao cấp, nhưng cũng có nơi chỉ có một gói duy nhất phục vụ ngày Tết. Giá của mỗi gói chênh nhau khoảng 100.000 - 150.000 đồng/ngày.
Dù phân chia thế nào, tâm lý chung của những người đi thuê cần nhất vẫn là một người thạo việc, đáng tin cậy và có nhân thân rõ ràng. Các trung tâm tuyên bố đảm bảo về nhân thân của người giúp việc và gia chủ sẽ cầm chứng minh thư của người giúp việc cho đến khi họ hoàn thành xong công việc theo hợp đồng. Dù việc “giữ chứng minh thư nhân dân” không đủ đảm bảo về độ tin cậy, nhưng người đi thuê cũng đành tặc lưỡi cho qua.
Thậm chí với gói cơ bản (150.000 đồng - 250.000 đồng/ngày) nhiều công ty còn tuyên bố không đảm bảo về thân nhân của người giúp việc. Có nơi còn chỉ đơn thuần cung cấp... người, còn nghiệp vụ giúp việc thì không: Người giúp việc chỉ làm được những việc thông thường như chợ búa, lau dọn, còn những việc như nấu ăn ngon, là quần áo, chăm trẻ, chăm người già... thì họ không thạo, hoặc không làm, nếu chủ nhà có nhu cầu thì phải chi trả thêm. Chị Linh (ở phố Trần Cung) - một người đi thuê giúp việc chia sẻ: “Xót ruột lắm. Ấm ức nữa nhưng đành chịu. Biết là họ tuyển ồ ạt lao động phổ thông, thậm chí có người còn không thạo sử dụng các thiết bị gia đình như máy giặt, lò vi sóng... , nhưng vì cần người nên vẫn phải thuê”. Chị nói thêm: Cũng may, tôi chỉ cần người giúp lau dọn, chứ nếu phải trông trẻ hay người già, mà không kiểm soát được sức khỏe của người giúp việc, hoặc họ có bệnh truyền nhiễm gì, thì phiền phức lắm”.
Không chỉ giá dịch vụ giúp việc trong ngày Tết tăng cao, mà giá thuê giúp việc theo giờ cũng leo thang. Giá dọn nhà, trông trẻ, trông người già theo giờ cũng tăng. Ngày thường, giá thuê qua các trung tâm là 45.000 - 65.000 đồng/giờ (mỗi ngày tối thiểu 3 giờ), nay trung bình giá tăng thêm khoảng 20 - 30% mà không phải khi nào cũng ký được hợp đồng. Giá thuê giữ trẻ tư nhân theo ngày, theo giờ cũng được dự đoán tăng mạnh. Nhiều bà mẹ có con nhỏ đang lo lắng không biết những ngày giáp Tết, khi các trường mầm non đóng cửa con sẽ thế nào vì cả 2 vợ chồng vẫn phải đi làm.