“Hết vắcxin cúm, vắcxin 5 trong 1, vắcxin thủy đậu…” là câu trả lời rất nhiều ông bố, bà mẹ nhận được trong những ngày qua khi đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. “Chúng tôi rất lo vì con đã tới thời gian quy định phải tiêm, nhưng lại thiếu vắcxin, ngành y tế nên sớm có giải pháp cho vấn đề này”, chị Hoài Thu, có con gái 18 tháng tuổi, cho biết.
“Cháy” vắcxin
Sáng 17/3, anh Trung và vợ đưa con tới tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội theo lịch tiêm chủng. Câu trả lời vợ chồng anh nhận được từ cán bộ phòng tiêm chủng là: “Hết vắcxin 5 trong 1 (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt). Tháng sau, anh đưa cháu quay lại”.
Nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phải ra về vì hết vắcxin. |
Anh Trung chia sẻ: “Bé nhà tôi được hơn 4 tháng, đã tiêm 2/3 mũi vắcxin 5 trong 1. Theo chỉ định của cán bộ y tế, hôm nay tôi đưa cháu đi tiêm nốt mũi 3 cho đủ liều. Thế nhưng, đến nơi lại thấy thông báo hết vắcxin. Tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi chấp nhận bỏ tiền ra để tiêm vắcxin cho trẻ rồi nhưng vẫn thiếu vắcxin. Mà đâu có thiếu một loại, thiếu cả vắcxin thủy đậu, vắcxin 6 trong 1… Hơn nữa, một nhân viên y tế còn trả lời rằng ‘Tháng sau tiêm tiếp cũng không sao’. Nếu đúng như vậy thì ngành y tế đề ra lịch tiêm chủng để làm gì”.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: “Theo thông báo của nhà cung cấp, dự kiến 2 - 4 tuần nữa sẽ có vắcxin phòng bệnh thủy đậu, sang tháng 4 sẽ có vắcxin 5 trong 1, và khoảng tháng 5 sẽ có vắcxin 6 trong 1”. |
Tại Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng của Viện Dịch tễ Trung ương (TƯ), tình trạng cũng tương tự. Chị Nguyễn Thu Trang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đang bế con nhỏ trên tay, tần ngần không biết đến đâu để có vắcxin 5 trong 1 để tiêm cho con. Chị Trang chia sẻ: “Trung tâm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ còn thông báo hết vắcxin thì nơi khác chưa chắc đã còn. Tôi rất lo cháu bị mắc cúm trong thời điểm này vì chưa tiêm đủ số mũi vắcxin theo quy định. Tôi cũng băn khoăn, sau này, có phải tiêm lại vắcxin từ đầu cho cháu hay không”.
Theo chị Bùi Thị Vân Anh, y tá tại Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, khoảng 2 tuần nay, trung tâm này đã hết vắcxin 5 trong 1, 6 trong 1 và vắcxin cúm. “Có thể tháng sau thì việc cung ứng vắcxin mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, trước khi đưa con đi tiêm, các bậc phụ huynh cần gọi điện trước để xác nhận lại”, chị Vân Anh cho biết.
Được biết, không chỉ riêng gì Hà Nội, thời điểm này, người dân tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… cũng đang trong tình trạng sốt ruột chờ các loại vắcxin dịch vụ để tiêm cho trẻ.
Cần sự vào cuộc của ba nhà
Lý giải về nguyên nhân thiếu vắcxin dịch vụ trong khi dịch thủy đậu đang diễn biến phức tạp, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết: “vắcxin phòng bệnh thủy đậu được cung cấp theo nhu cầu của thị trường, không giống 11 vắcxin thuộc Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, được Bộ Y tế chủ động dự trù theo kế hoạch và cung ứng miễn phí cho trẻ em”.
Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia: “Dự kiến khoảng tháng 4 này, các loại vắcxin thủy đậu, 5 trong 1, 6 trong 1, sẽ được cung cấp trở lại”. |
Theo đại diện này, việc đảm bảo cung ứng vắcxin dịch vụ lâu nay do các cơ sở tiêm phòng dịch vụ, cơ sở khám bệnh và chữa bệnh, dự trù và đặt hàng các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu vắcxin cung ứng (căn cứ theo nhu cầu thị trường). Tuy nhiên, bệnh thủy đậu đôi khi diễn biến thất thường, dẫn đến việc dự trù của các cơ sở kinh doanh chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng vắcxin như thời gian vừa qua.
Cũng theo đại diện này, Cục Quản lý Dược đã cho phép nhập khẩu khẩn cấp 77.800 liều vắcxin thủy đậu theo hình thức giấy phép nhập khẩu chưa có số đăng ký. Các nhà sản xuất đang khẩn trương kiểm tra chặt chẽ chất lượng và an toàn số vắcxin này trước khi xuất xưởng. 20.000 liều vắcxin thủy đậu nhập khẩu khác đã về Việt Nam. Đặc biệt, Cục Quản lý Dược cũng đã chỉ đạo các đơn vị nhập khẩu vắcxin 5 trong 1. Hiện 6.590 liều vắcxin này đã về Việt Nam, Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế đang khẩn trương kiểm định chất lượng từng lô thuốc này để đảm bảo an toàn, hiệu quả trước khi sử dụng.
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Chủ nhiệm Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, để tránh tình trạng thiếu vắcxin khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần có sự vào cuộc mạnh hơn của nhà quản lý, đơn vị tiêm chủng dịch vụ và nhà cung ứng vắcxin. “Theo tôi, cần sớm tổ chức một cuộc thảo luận giữa 3 “nhà” này để sớm tìm ra giải pháp triệt để cho tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ như vừa qua. Nếu tất cả các bên đều nỗ lực, tôi tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.
Song Liên