Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra tràn lan gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Thành lập đội ngũ tư vấn sẽ giúp nông dân sử dụng thuốc BVTV hiệu quả hơn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Mua thuốc theo hướng dẫn của… đại lý Hiện nay, đa phần người dân mua và sử dụng thuốc BVTV dựa trên kinh nghiệm và hướng dẫn của đại lý. Điều này cộng với việc thiếu thông tin về các loại thuốc BVTV đã khiến không ít nông dân gặp cảnh dở khóc dở cười.
Ông Nguyễn Văn Đĩnh (thôn Thanh Liễu, xã Phương Hưng, thành phố Hải Dương) cho biết, gia đình ông cấy 6 sào lúa vụ mùa năm 2014, bỏ ra gần 600.000 đồng mua thuốc trừ rầy và trừ sâu về phun 3 đợt nhưng không ăn thua. Năng suất lúa giảm khoảng 40% so với vụ mùa trước đó.
Tháng 12/2014, để chuẩn bị cho vụ chiêm xuân 2015, bà Lạc (vợ ông Đĩnh) đã mua 1 lọ thuốc trừ cỏ về phun. “Nhưng phun xong sau 1 tuần, ra ruộng thấy vẫn thấy cỏ còn nguyên và tươi tốt. Cuối cùng tôi đành phải bỏ công đi cuốc, nhổ cỏ”, bà Lạc kể.
Cũng như gia gia đình bà Lạc, nhiều nông dân khác trong thôn, mặc dù cũng được tập huấn, được phổ biến trong các đợt chuyển giao khoa học kỹ thuật nhưng không nhớ hết các tên thuốc. Khi cần thì ra đại lý, người bán tư vấn loại gì thì mua về.
Thừa nhận thực tế này, ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hải Dương cho biết, việc tiếp cận thông tin về thuốc BVTV của người nông dân rất hạn chế, thông tin từ tỉnh chỉ tới huyện, xã, chưa tới được người nông dân vì chưa có đội ngũ cán bộ phổ biến xuống dân.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay chỉ có 40% nông dân được tiếp cận thông tin hướng dẫn về việc sử dụng thuốc BVTV. Còn lại, đa phần nông dân dựa vào các đại lý để mua và sử dụng thuốc BVTV. Trong khi đó, số lượng cửa hàng kinh doanh thuốc BTVT lại quá nhiều, mỗi cửa hàng tư vấn một kiểu.
Việc người dân sử dụng thuốc BVTV cũng rất tùy tiện. Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV, vừa qua, ngành BVTV đã thanh, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên 13.900 hộ nông dân, phát hiện hơn 4.100 hộ (chiếm 29,9%) vi phạm. Những vi phạm chủ yếu là sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì sau khi sử dụng vứt bừa bãi…
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Bình Thuận: Tuyên truyền để dân hiểu
Vừa qua, cây Thanh Long xuất hiện bệnh đốm nâu phát triển mạnh, giá giảm từ 26.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/kg, chúng tôi đã tuyên truyền cho nhân dân tiêu độc, khử trùng, thu gom mầm bệnh, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan. Nhưng một nhà làm tốt mà các nhà bên cạnh mà không làm tốt thì cũng không giải quyết được, vì lây lan qua nguồn nước, không khí, phương tiện… Do vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho dân hiểu. Khi công tác khử trùng, thu gom và người dân có ý thức thì sẽ hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Vĩnh Long: Phụ cấp thỏa đáng cho đội ngũ tư vấn BTVT Nông dân muốn sử dụng thuốc cực độc, hiệu quả nhanh, nhưng lại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông dân dùng thuốc không có thông tin nên việc xử lý bệnh khó khăn, giá phải trả cao vì sử dụng không đúng thuốc. Do vậy, chúng tôi đang khuyến khích người dân dùng các sản phẩm sinh học. Phòng chống dịch bệnh, duy trì các hệ thống dự báo. Chúng tôi đã xây dựng đội ngũ hướng dẫn về bảo vệ thực vật nhưng hiện nay phụ cấp của đối tượng này quá thấp, cần nâng lên thỏa đáng cho đội ngũ này. |
Quá nhiều sơ sở sản xuất Hiện nay cả nước có khoảng 230 DN kinh doanh thuốc BVTV, 129 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói thuốc và 32.649 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV, 37 tổ chức hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu. Việc có quá nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV khiến cho việc quản lý rất khó khăn.
Theo ông Phạm Nguyên Hạnh, hiện Hải Dương có tới 1.200 đại lý kinh doanh thuốc BVTV (trung bình mỗi xã 4 - 5 đại lý). Các đại lý này cạnh tranh lẫn nhau nên việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV tràn lan, tùy tiện. Trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm soát quả mỏng nên không kiểm soát được.
Phản ánh từ các Chi cục BVTV cho thấy, các cơ quan chức năng cho nhập khẩu quá nhiều loại thuốc. Một hoạt chất trong thuốc mà có công ty đăng ký tới hàng chục tên thuốc khác nhau. Đó là chưa kể các tên na ná nhau, gây nhầm lẫn cho nông dân. Hiện chỉ cần 30 - 40 doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thuốc BVTV thay vì hơn 230 doanh nghiệp như hiện nay.
Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra 12.347 cơ sở bán thuốc BVTV, phát hiện 1.704 cơ sở vi phạm quy định, chiếm 13,8%. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không đủ điều kiện buôn bán, không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc ngoài danh mục, kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
Để quản lý tốt thị trường thuốc BVTV, theo ông Phạm Nguyên Hạnh: “Trước hết, giảm số lượng đại lý bán thuốc BVTV. Với luật mới, siết chặt công tác quản lý môi trường, đánh giá chặt chẽ, đại lý nào không đủ điều kiện thì dứt khoát đóng cửa. Chính quyền cấp xã phải vào cuộc thì mới kiểm soát được hệ thống đại lý này”.
Bên cạnh đó, cần có đội ngũ tư vấn sử dụng thuốc BVTV. “Một vụ lúa, dân sử dụng 4 - 6 lần thuốc BVTV đổ xuống đồng, nếu làm đúng chỉ 2 - 3 lần, giảm được một nửa chi phí, công sức, đỡ gây hại môi trường. Do vậy, cần thành lập các tổ dịch vụ làm công tác bảo vệ thực vật, tư vấn, hỗ trợ người dân giảm thiểu đổ nhiều loại thuốc BVTV không cần thiết xuống đồng ruộng”, ông Hạnh nói thêm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, ngành BVTV cần thực hiện chương trình hành động “Năm an toàn thực phẩm trong nông nghiệp” mà Bộ phát động. “Muốn vậy, phải có đội ngũ làm công tác BVTV tuyên truyền, hướng dẫn và tham gia kiểm soát các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Như vậy, nông dân mới sử dụng thuốc hiệu quả, tiết kiệm”, ông Doanh cho biết.
Hữu Vinh - Mạnh Minh