Đặc biệt, sáng ngày 13/3, hiện tượng sụt lún đã nghiêm trọng hơn với những vết nứt sâu, kéo dài hơn so với trước, mặt đường đã bị sụt lún xuống gần 1 mét so với hiện trạng ban đầu, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông qua lại.
Ngay sau khi xảy ra sụt lún nghiêm trọng xảy ra, chính quyền thị xã Sa Pa đã phối hợp với Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai đã khẩn trương huy động nhân lực, máy móc vào hiện trường để khắc phục sự cố; phương án nắn tuyến vào phía taluy dương với chiều dài gần 100m đã được đơn vị thi công triển khai ngay trong hai ngày 13-14/3.
Ông Lý Láo Tả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa cho biết, khoảng cuối năm 2020, trên tuyến tỉnh lộ 152 đoạn đi qua địa bàn xã Bản Hồ bắt đầu xuất hiện những vết nứt trên mặt đường. Sự việc sụt lún trở nên nghiêm trọng hơn sau tết Nguyên Đán. Vết nứt cho chiều dài khoảng 70m, với bề rộng lên tới 20cm.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng, tuyến đường tỉnh lộ 152 có chiều dài gần 8km đoạn từ ngã 3 Bản Dền đến đầu cầu Thanh Phú nằm vùng địa chất phức tạp, nhiều vị trí có nguy cơ lún sụt. Đặc biệt, nằm ngay phía dưới chân vị trí sụt lún này là lòng hồ của thủy điện Bản Hồ vừa hoàn thành và dâng nước sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân việc sụt lún tỉnh lộ 152 cần phải sự vào cuộc, phân tích đánh giá của các cơ quan chuyên môn.
Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, sáng ngày 15/3, đoạn tuyến được nắn có chiều dài 100m sẽ có thể hoàn thành và lưu thông. Liên quan đến hiện trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng tìm lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để thục hiện việc quan trắc, theo dõi, đánh giá nguyên nhân gây ra hiện tượng lún sụt tại khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là phía đồi taluy dương (nơi đang thực hiện nắn tuyến) đã xuất hiện những vết nứt lớn, bởi vậy việc nắn tuyến chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu về dài, cần có đánh giá chuyên sâu và những giải pháp xử lý triệt để hiện tượng sụt nún, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông qua lại.