Dù đưa ra nhiều kết quả thực hiện mang tính tích cực tại cuộc họp ngày 22/1 với các sở, ngành trong tỉnh Sóc Trăng nhưng các số liệu báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng và Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, cùng thực tế phản ánh của người dân sống gần khu vực bị ô nhiễm vẫn mang còn sự khác biệt và mâu thuẫn nhau. Ông Lâm Hùng Kiện, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua kiểm tra thực tế và qua khảo sát ý kiến của các hộ dân sống gần khu công nghiệp thì mùi hôi tại lô A đã giảm và không còn sự phản ánh của người dân. Do đó, Ban quản lý đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các tổ công tác tổ chức kiểm tra thực tế tại khu công nghiệp để đánh giá kết quả khắc phục ô nhiễm môi trường mà Ban quản lý và Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp đã thực hiện.
Theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, ngay sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, các sở, ngành và sự phản ánh của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp phối hợp cùng Công ty cổ phần kỹ thuật môi trường Kỷ Nguyên (Eratech) thực hiện tư vấn, cải tạo để vận hành hệ thống xử lý nước thải lên trên 4.000 m3/ngày, đêm và xử lý ô nhiễm từ ngày 17/12/2014.
Song theo kết quả báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, lưu lượng nước thải về nhà máy xử lý dao động từ 3.480-4.800 m3/ngày, đêm. Từ ngày 15/1/2015, lưu lượng nước được xử lý khoảng 3.900-4.200 m3/ngày, đêm. Với lưu lượng nước về nhà máy có thời điểm lên đến 4.800 m3/ngày, đêm mà việc xử lý nước thải cao nhất mới chỉ đạt 4.200 m3/ngày, đêm. Vậy lượng nước thải chênh lệch về nhà máy và lượng nước thải khoảng 600 m3 đi đâu?
Theo ông Trần Trường Giang, lượng nước thải chênh lệch này được đưa vào hồ chứa của nhà máy, rồi sẽ được xử lý sau. Liệu điều này có mang tính thuyết phục? Trước khi nâng cấp, cải tạo, nhà máy xử lý đạt ở công suất 70% tương đương 2.800 m3/ngày đêm và nhà máy tiếp nhận lượng nước thải của các doanh nghiệp trung bình từ 3.300 - 3.800 m3/ngày đêm. So với công suất xử lý của nhà máy vượt trên 500 m3/ngày đêm, số lượng nước thải không xử lý hết nhà máy xả qua các ao chứa nước thải trong khu công nghiệp dẫn đến tình trạng ô nhiễm, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh khu vực Khu công nghiệp An Nghiệp. Khả năng xử lý bằng thực vật thủy sinh như bồn bồn, lục bình ở các ao chứa nước thải không mang lại hiệu quả như mong đợi. Vậy với việc chênh lệch ở mức khoảng 600 m3 lượng nước thải trong khi đã được cải tạo, nâng cấp thì việc xử lý có thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, công suất hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đạt khoảng 4.200 m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, khi vận hành với công suất này đã phát sinh một lượng bùn hóa lý và bùn sinh học từ 200-400 m3/ngày, đêm. Công ty Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp đã thuê công ty Công trình Đô thị Sóc Trăng vận chuyển bùn hóa lý về bãi rác tập trung với chi phí 830.000 đồng/xe (3 m3) và chỉ vận chuyển được 4 chuyến/ngày thì lượng bùn phát sinh là không thể vận chuyển hết được và chi phí lại rất cao. Do đó, công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép xả thải khối lượng bùn sinh học ra lô A và sử dụng chế phẩm vi sinh để kiểm soát mùi hôi vì theo công ty lượng bùn chế sinh học ít gây mùi và không gây ô nhiễm.
Thực tế việc xử lý mùi hôi tại lô A, đơn vị này chỉ thuê 2 công nhân phun với tần suất 2 lần/ngày và liều lượng là 60 lít/ngày; tạt chế phẩm vi sinh để xử lý bùn lắng là 10 kg/ngày. Theo Công ty, lượng bùn sinh học có thể “phơi” được trong mùa nắng. Vậy còn mùa mưa, Công ty giải quyết như thể nào? Lượng bùn xả thải ra nhiều mà việc xử lý mang tính “đối phó” và “làm cho có” của đơn vị này thì liệu hàng trăm m3 bùn thải ra hàng ngày này về lâu dài sao có thể đảm bảo được không gây ô nhiễm.