Cánh đồng xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện (Hải Dương) vẫn phủ màu xanh mướt bởi trên thực tế các hộ dân có nhân lực vẫn nhận ruộng về làm bằng thỏa thuận miệng giữa các gia đình với nhau. Chính quyền địa phương gần như “bó tay” trong việc quản lý con số thực ruộng được trồng cấy và ruộng có khả năng sẽ bị bỏ hoang trong tương lai.
Cực chẳng đã trưởng thôn nhận ruộng
Ông Vũ Viết Hồ, Trưởng thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, trước đây gia đình ông cấy có 6 sào ruộng, nhưng hiện giờ số ruộng của ông lên tới 2,4 mẫu. Với ông nếu không bám ruộng thì không được. Từ nhiều năm nay, mỗi năm số diện tích ruộng nhà ông ngày một tăng. Không phải vì cái chức trưởng thôn mà đất ruộng nhà ông tăng như vậy. Đơn giản, mỗi năm số ruộng bỏ không ngày một tăng. Vì thế, ông Hồ với trách nhiệm của một người trưởng thôn, vừa không muốn thôn mình không hoàn thành chỉ tiêu trên xã giao vừa muốn là người gương mẫu để người dân trong thôn làm theo nên ông Hồ nhận ruộng về trồng cấy.
Khu ruộng gần 5 ha thôn Đoài, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay do cấy lúa kém hiệu quả. Lê Sơn |
Để rồi mỗi vụ thôn hoàn thành nhiệm vụ phủ xanh ruộng đồng là những lần nhà ông có thêm đất ruộng. Ông đùa trêu, giờ đây tôi là người nhiều đất nhất thôn. Mỗi người trong thôn chỉ có vài ba sào ruộng, nhưng riêng vợ chồng già này đã bằng năm bằng bảy nhà khác. Chỉ có điều ruộng nhà ông đầu thôn một mảnh, cuối thôn một miếng. Và ruộng của ông cũng thuộc dạng đầu thừa đuôi thẹo nhất trong thôn. Những chỗ nào dân trong thôn vận động mãi rồi mà họ không làm thì vợ chồng ông lại kéo mạ đến gieo trồng. Ông tâm sự, những mảnh ruộng này làm gần như không có lãi. Nhưng vì việc thôn việc xóm ông vẫn phải làm.
Nói chuyện về khu đồng Chiều Ngăm, ông cho biết: “Xã cũng đã có nhiều cách động viên người dân cấy lúa thế nhưng người dân cũng không thiết tha gì. Để ruộng đồng không bị bỏ hoang, xã đã chia ra để cho các đoàn thể vào cấy trồng.”
Nỗ lực làm xanh đồng của một vài người đã tự đưa họ trở thành người chủ của những cánh đồng mẫu lớn. Chính vì thế, trong quá trình tìm hiểu việc bà con nông dân bỏ đất, chán đất chúng tôi lại bắt gặp không ít những người đã nắm trong tay hàng chục mẫu đất, những người bất đắc dĩ trở thành “địa chủ”. Họ là những người chẳng biết làm gì ngoài cấy lúa và cũng là những người có trách nhiệm với đồng lúa quê nhà.
Bà Nguyễn Thanh Nghị, thôn Đoài, xã Hòa Bình, người hiện đang cấy tới 2,2 mẫu ruộng: “Ruộng giờ chẳng ai thầu cả, do chi phí cao, làm lãi chẳng là bao. Như nhiều cảnh, nhiều nhà không cấy để ruộng hoang, chúng tôi thấy tiếc vì toàn ruộng tốt nên thầu lại làm một thể.”
Quản lý cơ sở vẫn loay hoay
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội nông dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, Hải Dương cho biết trên thực tế những hộ dân có nhân lực vẫn làm trên cơ sở thỏa thuận miệng giữa các gia đình với nhau. Bản thân gia đình ông cũng cho mượn vì không đủ nhân lực làm. Thực tế hộ dân cho nhau mượn rất nhiều nhưng chưa có thống kê cụ thể.
Lam Sơn hiện nay có trên 80% tổng thu nhập là trong ngành nông nghiệp. Như vậy, nếu những thửa ruộng người nông dân bỏ lại không được trồng cấy thì rõ ràng các chính sách dân sinh, kinh tế, phát triển nông nghiệp và tổng thu nhập của địa phương sẽ bị ảnh hưởng.
Ở cấp độ tỉnh, ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, theo tổng hợp bước đầu vụ xuân vừa qua, tỉnh Hải Dương có 37 xã có diện tích bỏ hoang hoá khoảng 148 ha trên tổng số 62.000 ha canh tác.
Ông Lương Anh Tế, nguyên Bí thư Huyện ủy Thanh Miện, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương cho rằng: “Một số hộ dân được giao ruộng 20 năm nay, giờ họ đã không còn sức lao động trong nông nghiệp nữa. Con cháu họ cũng có việc làm khác. Trước đây, những hộ không còn khả năng lao động, họ có thể cho các hộ khác mượn ruộng, trả lại một phần hoa lợi. Nhưng cho đến nay, giá đầu vào với đầu ra cho cây lúa là gần ngang bằng nhau nên lợi nhuận không còn lớn nữa. Nên cho cũng có khi chẳng ai mượn nữa. Một số nơi trả ruộng là vì thế.”
Trở lại với Lam Sơn, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội nông dân xã Lam Sơn cho biết, cũng đã trăn trở nhiều năm qua nhằm tìm hướng ra cho tình trạng nông dân chán ruộng: “Về lâu dài, theo tôi, ở Lam Sơn, xác định chuyển đổi sản xuất nông nghiệp để làm sao người dân thiết tha với đồng ruộng. Quan trọng nhất là phải tiến hành dồn ô đổi thửa, chỉnh trang lại đồng ruộng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, dẫn đến việc đầu tư cơ giới hóa vào nông nghiệp, chi phí đầu vào trong nông nghiệp sẽ giảm đi. Đầu ra cao lên và thu nhập người dân đảm bảo hơn, người dân sẽ thiết tha với đồng ruộng. Bên cạnh đó, dồn ô đổi thửa được thì tích tụ ruộng đất cũng dễ hơn. Để sau này xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì mới đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp được. Từ đó, thu nhập trong nông nghiệp đảm bảo cuộc sống và hy vọng tình trạng bỏ ruộng như hiện nay không còn”.
Lê Sơn - Xuân Cường - Mạnh Minh
Bài cuối: Làm giàu từ đồng lúa