Sau thời gian thi công "nước rút", thị xã Mường Lay (Điện Biên) đã cơ bản hoàn thành việc di vén dân lên các khu, điểm tái định cư theo đúng kế hoạch, tiến độ tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Hiện nay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích của người dân tái định cư, thị xã Mường Lay cũng đang tập trung giải quyết vấn đề "nóng" về đất sản xuất nông nghiệp bằng việc thống kê, khảo sát, quy hoạch, khai hoang phục hóa đất để chia cho bà con nhân dân.
Xây dựng cơ sở hạ tầng tại điểm tái định cư phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. |
Ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thị ủy Mường Lay cho biết: Thực hiện Dự án TĐC Thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay bị thu hồi trên 600 ha đất, trong đó, trên 80% là đất sản xuất nông nghiệp. Trong số 3.867 hộ dân tái định cư thì có đến 1.120 hộ với trên 4.300 nhân khẩu sống bằng nghề nông. Vì vậy, nông dân ở đây đang rất thiếu đất để sản xuất. Hiện nay, toàn thị xã còn khoảng 150 ha đất nông nghiệp, như vậy, trung bình mỗi hộ nông nghiệp ở đây chỉ còn chưa đến 0,1 ha đất sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thị xã Mường Lay đã vận động, khuyến khích người dân không trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước mà chủ động khai hoang, phục hóa đất để sản xuất lương thực, ổn định cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đất sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn khi hiện nay lòng hồ thủy điện Sơn La đã tích nước và đang dâng từng ngày, không lâu nữa, diện tích ruộng ven sông Đà, sông Nậm Na và Nậm Lay ở đây sẽ bị ngập trong biển nước. Chính vì vậy, vấn đề đất sản xuất trở thành đề tài "nóng" trong tất cả các cuộc họp ở thị xã Mường Lay nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung...
Chính quyền thị xã Mường Lay đã không ngừng đẩy mạnh chỉ đạo các bộ phận chuyên môn khảo sát, lập dự án khai hoang ruộng nước, nương trồng màu, đồi trọc có thể trồng cây gây rừng để chia cho bà con nông dân. Cùng với việc tận dụng diện tích đất bán ngập vùng lòng hồ và đất sản xuất nông nghiệp còn lại, thị xã còn chú trọng đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi để dẫn nước cải tạo và khai hoang thêm diện tích tại các vùng đất quanh các chân đồi, hẻm núi. Đến nay, thị xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 8 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đảm bảo phục vụ tưới cho khoảng diện tích 200 ha. Trong đó, đáng kể nhất là công trình thủy lợi Tạo Sen, xã Lay Nưa có diện tích tưới lớn nhất với khoảng 50 ha; công trình thủy lợi Nậm Cản tưới 30 ha... Thị xã Mường Lay phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ cải tạo, khai hoang được từ 40 - 60 ha đất sản xuất để chia cho người dân.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, với cách làm như hiện nay thì trong 5 năm tới, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp của thị xã Mường Lay có thể lên đến 3.000 ha (bình quân mỗi hộ có 2, ha đất phục vụ canh tác). Trong đó, đất bán ngập vùng lòng hồ 150 ha; đất ruộng khai hoang 200 ha; đất rừng sản xuất 2.000 ha...
Cùng với việc gấp rút tìm quỹ đất sản xuất cho người dân, thị xã Mường Lay còn đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người nông dân có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để khi được chia đất có thể bắt tay ngay vào sản xuất và thu được kết quả tốt. Ngoài ra, chính quyền thị xã còn cam kết tiến hành hỗ trợ giống, phân hóa học cho bà con trong những năm đầu khi mới được chia đất sản xuất...
Một thông tin đáng mừng khác là, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Mường Lay đã hoàn thành công tác khảo sát, lập đề án. Vừa qua, thị xã đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề của tỉnh mở lớp dạy nghề trồng rau cho nhân dân xã Lay Nưa. Với phương châm "học đi đôi với hành", sau hơn 2 tháng học, đa số học viên nắm vững kiến thức trồng các loại rau màu, áp dụng vào điều kiện thực tế và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Nhiều học viên đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích ruộng trồng lúa kém năng suất, nương trồng ngô sang trồng rau màu, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở Mường Lay.
Từng bước nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho hộ nông nghiệp, thị xã Mường Lay đã tận dụng thế mạnh vốn có là phát triển kinh tế đồi rừng. Thị xã đang xúc tiến giao đất rừng đến các hộ dân để khoanh nuôi, bảo vệ. Mặt khác, tổ chức khảo sát thực địa, tìm vị trí phù hợp để phát triển cây cao su. Chắc rằng trong thời gian không xa, người dân ở thị xã cuối trời Tây Bắc này sẽ có đủ đất để sản xuất.
Trần Toại