Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi điện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong khu vực; Giám đốc các Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3, 4, 5, 6, 7, 8; các Ban Quản lý dự án đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa từ nguồn vốn vay WB8: Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng, hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các đơn vị tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ của các cơ quan dự báo chuyên ngành khí tượng thủy văn, khuyến cáo vận hành một số hồ chứa có cửa van của các đơn vị khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng trên địa bàn.
Các đơn vị kiểm tra, rà soát, sửa chữa kịp thời các hư hỏng công trình thủy lợi do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án ứng phó đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ, hồ chứa có mức trữ nước cao, theo phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng thường trực để vận hành và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; không được tích nước nếu hồ không đảm bảo an toàn.
Đối với các hồ chứa có cửa van, các đơn vị khẩn trương hạ thấp mực nước hồ xuống mức chủ động đón lũ, hạn chế phải xả lũ với lưu lượng lớn trong thời gian mưa lớn làm gia tăng ngập lụt vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp; thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
Các đơn vị chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước, bảo đảm phòng, chống ngập lụt, úng hiệu quả.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước sạch đủ để sử dụng trong thời gian mưa lũ; tổ chức cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn ở những địa điểm di dời tập trung; tổ chức cấp phát, hướng dẫn sử dụng các loại hóa chất xử lý nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt trong vùng ngập lũ; sau khi lũ rút, làm vệ sinh công trình cấp, trữ nước, thau rửa giếng khoan, giếng đào và kịp thời khôi phục công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng.
Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi và ngập lụt, úng về bộ phận thường trực của Tổng cục Thuỷ lợi.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ đêm 27/10 - 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt; từ ngày 28-31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.
Mưa lớn dự kiến xảy ra trong tình trạng nhiều hồ chứa đã đầy nước sau nhiều ngày mưa liên tiếp, nguy cơ uy hiếp lớn đến an toàn hồ chứa, đặc biệt ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.