Cơ chế một cửa liên thông điện tử cũng đã được triển khai tại 100% các cơ quan hành chính thuộc UBND Thành phố. Đây là những việc làm cần thiết để thành phố đạt được mục tiêu xây dựng cơ chế một cửa liên thông điện tử trong năm 2020.
Giảm quá tải
Là người thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, anh Vũ Tấn Khải, Giám đốc công ty thương mại và dịch vụ Thanh Bình (quận 2) cảm thấy rất hài lòng với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) của đơn vị này. “Trước kia, để có được tờ giấy phép kinh doanh tôi phải mất mấy tuần tới lui Sở này. Tuy nhiên, từ khi có bộ phận một cửa liên thông điện tử, mọi giao dịch của tôi đều được giải quyết trong ngày. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều, giảm được nhiều thời gian đi lại, chờ đợi mệt mỏi”, anh Khải cho biết.
Các đơn vị, sở ngành TP Hồ Chí Minh đang triển khai cơ một cửa liên thông điện tử để giảm thời gian, chí phí cho người dân và doanh nghiệp |
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, việc xử lý các thủ tục ở nhiều sở, ngành của thành phố rơi vào tình trạng quá tải vì tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính khá nhiều so với các tỉnh thành khác. Chẳng hạn như Cục Thuế mỗi ngày bình quân phải xử lý 1.000 hồ sơ thủ tục hành chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư khoảng 1.500 hồ sơ/ngày, Sở Tư pháp cũng khoảng trên 1.500 hồ sơ/ngày... Để đảm bảo xử lý hồ sơ một cách nhanh nhất, một số sở ngành đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thông qua cách xử lý một cửa điện tử.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, cho biết nhờ việc triển khai một cửa liên thông điện tử mà lượng hồ sơ nộp vào Sở không còn quá tải như trước và người dân, doanh nghiệp cũng không mất nhiều thời gian chờ đợi. Theo đó, nếu như trước đây số lượng hồ sơ nộp vào phòng đăng ký kinh doanh khoảng 1.300 - 1.500 hồ sơ/ngày thì hiện nay số hồ sơ nộp vào chỉ còn 900 hồ sơ/ngày, giảm hơn 30%. Số hồ sơ phải nộp bổ sung cũng giảm từ 30% xuống còn 3% so với tổng hồ sơ nộp vào. Số hồ sơ của người dân được giải quyết đúng hẹn luôn đạt hơn 96%.
Nói về hiệu quả của cơ chế một cửa liên thông điện tử, đại diện UBND quận 1 cũng cho biết quận 1 là một trong những quận tiên phong của thành phố trong việc ứng dụng các chương trình phần mềm liên thông giữa các đơn vị liên quan để luân chuyển dữ liệu quản lý. Điều này đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian rất nhiều. Cơ chế này cũng giúp quận ngăn chặn tệ nạn quan liêu, nhũng nhiễu, từng bước xóa bỏ cơ chế “xin- cho” tại đơn vị. “Để thực hiện công tác này hiệu quả, quận 1 đã sớm đưa các ứng dụng phần mềm liên thông về quản lý hộ tịch, quản lý xử lý vi phạm hành chính, phần mềm phối hợp giải quyết công việc giữa các phòng ban, đơn vị. Đặc biệt, phần mềm liên thông giữa Chi Cục thuế với phòng kinh tế đã giúp quy trình đăng kí thuế chỉ diễn ra trong vòng 30 phút thay vì 10 ngày như quy định cho phép và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số thuế ngay trong ngày đối với hộ kinh doanh”, vị đại diện này cho biết thêm.
Liên thông đồng bộ
Xây dựng cơ chế một cửa liên thông điện tử mặc dù đã được triển khai tại 100% cơ quan hành chính thuộc UBND Thành phố và bước đầu đã cho hiệu quả khả quan, song công tác này vẫn còn gặp khó khăn do một số đơn vị chưa phối hợp đồng bộ với nhau.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc xử lý hành chính một cửa liên thông điện tử đã được triển khai ở các quận, huyện đã lâu song một số quận, huyện vẫn lơ là công tác này. Chẳng hạn như UBND Thành phố và các sở, ban ngành nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư, sau đó giới thiệu về cho quận, huyện nhưng thay vì quận, huyện phải chỉ đạo các phòng ban tiến hành thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án một cách nhanh nhất cho nhà đầu tư thì quận huyện lại thờ ơ. Điều này đã làm mất đi sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với địa phương. “Theo quy định, việc cấp giấy đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trong 10 ngày nhưng chưa có quận, huyện nào thực hiện đúng. Vì vậy, để đạt hiệu quả trong cải cách hành chính, giúp tăng thu hút đầu tư, chúng ta cần thực hiện cải cách hành chính một cửa liên thông điện tử một cách đồng bộ thông qua hình thức kết nối, phố hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và quận, huyện. Tránh tình trạng sở ngành nhiệt tình hỗ trợ còn quận, huyện thì không mặn mà quan tâm”, vị đại diện này chia sẻ thêm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử nhằm cố gắng giúp người dân, doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều vượt qua trở ngại về các rắc rối liên quan đến thủ tục hành chính. “Trước mắt thành phố sẽ có hai hình thức thực hiện một cửa liên thông. Cách thứ nhất là sẽ tập trung xử lý văn bản vào 4 Sở là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp. Theo đó, các sở xây dựng hoàn thiện quy định một cửa tại đơn vị mình để trình ủy UBND Thành phố và Sở Thông tin Truyền thông thẩm định quy trình thực hiện. Sau phương án liên thông thứ nhất, thành phố thực liên thông trực tuyến các sở ngành với nhau và liên thông với các quận, huyện. Cụ thể, sau Tết Dương lịch 2017, mọi văn bản liên thông quận, huyện, sở ngành không còn là văn bản giấy, không thực hiện thư mời bằng giấy. Bởi thực hiện các văn bản điện tử, thư mời điện tử vừa giải quyết nhanh công việc, vừa đỡ tốn tiền. Thế giới đã áp dụng hình thức liên thông điện tử từ lâu, TP Hồ Chí Minh chỉ làm theo nên phải thực hiện cho nhanh”, ông Tuyến cho biết.
Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, TP Hồ Chí Minh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tất cả cơ quan hành chính thành phố đều thực hiện một cửa liên thông điện tử, kết nối các sở ngành, quận huyện với nhau, đáp ứng nguyện vọng xử lý hồ sơ nhanh nhất, hiệu quả nhất của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Để làm tốt công tác này, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần phải quyết tâm và thực hiện đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng từ các sở ngành tới quận huyện, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ như thời gian qua. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp cũng cần đóng góp, phản ánh kịp thời những vướng mắc về thủ tục hành chính một cửa liên thông điện tử tới các sở ngành, đơn vị mình giao dịch để giúp các đơn vị này khắc phục thiếu sót trong quy trình thực hiện.