Tăng cường giám sát các dự án xóa đói, giảm nghèo

Đối với các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự tham gia, giám sát của cả cộng đồng để hạn chế các hành vi tham nhũng.

Đây là khẳng định của TS Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu, khảo sát về hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) nhằm phòng ngừa tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam, tổ chức vào hôm qua (19/12).

Bớt xén nguyên liệu là sai phạm phổ biến

TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, đại diện nhóm khảo sát cho biết, nghiên cứu được thực hiện tại 4 tỉnh, thành phố gồm Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng trực tiếp vào những lĩnh vực, những khâu tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao nhất như: theo dõi việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và nhà thầu, đánh giá hiệu quả đầu tư và phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình...

Gia đình hội viên Lương Văn Hoàng, xóm 12, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chuyên sản xuất chiếu cói, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn sản xuất đã phát huy hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN



Theo kết quả nghiên cứu, dạng sai phạm phổ biến nhất trong các dự án xóa đói giảm nghèo là “dự án đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản thuộc dự án”. Ngoài ra, đối với các dự án XĐGN còn có các hành vi tiêu cực cụ thể như sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, bớt xén nguyên liệu, nâng giá nguyên liệu, thi công sai thiết kế, hỗ trợ không đúng đối tượng. “Kết quả cho thấy, những hành vi vi phạm này được người dân phát hiện chủ yếu thông qua việc quan sát trực tiếp tại nơi thi công”, TS Đinh Văn Minh cho biết.

Cũng thông qua hoạt động khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Thanh tra đã phát hiện ra rằng: Việc thất thoát, lãng phí khi triển khai các dự án XĐGN xuất phát từ chính quy định của các chương trình, dự án. TS Đinh Văn Minh lấy dẫn chứng hai công trình: công trình đường giao thông Làng Bai - Chạng Vung thuộc xã Thanh Hóa và công trình đường giao thông liên thông Ná Húng - Tân Hùng thuộc xã Thanh Phòng, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa do Công ty xây dựng tại tỉnh Thanh Hóa thi công. “Vấn đề đặt ra là, với một công trình nhỏ (mỗi công trình chỉ làm 700 m đường bê tông), triển khai trên nền địa chất không phức tạp, không có nhiều vấn đề về kỹ thuật thi công và thiết kế công trình thì có nhất thiết phải thuê một Công ty xây dựng để thi công công trình hay không”, ông Minh băn khoăn.

Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đề xuất, đối với những công trình quy mô nhỏ hoàn toàn có thể giao trực tiếp cho cộng đồng thực hiện theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc này vừa để tiết kiệm chi phí đồng thời huy động được người dân tham gia vào việc giám sát quá trình thi công, giúp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bổ sung quyền cho chủ thể giám sát

Theo kết quả nghiên cứu, cả người dân và cán bộ, công chức đều đánh giá, hiệu quả thực hiện hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án XĐGN, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tiếp nhận, phản hồi, xử lý phản ánh, kiến nghị đối với các hành vi vi phạm và việc khắc phục sai phạm của đầu tư, nhà thầu vẫn thấp. Theo ông Dương Văn Phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh, nhiều nơi ban giám sát còn mang tính hình thức, chưa mạnh dạn kiến nghị, đề xuất khi phát hiện các sai phạm tại cơ sở.

Lý giải về tình trạng này, Viện Khoa học Thanh tra cho rằng, quyền hạn các chủ thể giám sát “không rõ ràng, đầy đủ” là khó khăn, cản trở đối với hoạt động giám sát, thông tin đến người dân. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án, công trình XĐGN, nhóm nghiên cứu kiến nghị, bổ sung quyền hạn cho chủ thể giám sát đầu tư của cộng đồng, bổ sung cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin của chủ thể giám sát để có đủ căn cứ, cơ sở cho việc giám sát. Đồng thời, các dự án XĐGN phải triển khai dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, của người dân, giúp giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, tránh tình trạng đầu tư kiểu “rót vốn từ trên xuống mà bỏ qua nhu cầu của địa phương” mới thu hút sự quan tâm của cộng đồng giám sát các công trình, dự án này.

Đồng tình với quan điểm mà kết quả khảo sát đưa ra, ông Hoàng Vĩnh Ái, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, các công trình XĐGN thì tổng mức đầu tư rất nhỏ nên cần quy định phạm vi giám sát cộng đồng đối với tất cả các chủ trương, chính sách thực hiện trên địa bàn mới toàn diện được. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến giám sát sau đầu tư vì hiện lãng phí sau đầu tư rất nhiều do “cha chung không ai khóc” nên không ai giám sát”.

Thu Phương

Việt - Lào đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo
Việt - Lào đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Xổm-xạ-nít Xu-văn-na-lạt, Thứ trưởng Thường trực Văn phòng Chính phủ, làm Trưởng đoàn đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN