Trong hai ngày 24-25/10, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị "Phát triển đô thị hợp nhất: Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam". Hội nghị do Bộ Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và Cộng đồng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (URC-CoP), đồng tổ chức.
Toàn cảnh hội nghị.
Trong hai ngày hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo 3 chuyên đề chính: “Hướng tới thành phố Xanh: Hướng tiếp cận cho việc phát triển đô thị bền vững”, “Hướng tới bền vững: Quản lý rủi ro lũ lụt đô thị hợp nhất” và “Lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị: Công cụ cần thiết và các hướng tiếp cận hiện nay”. Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã trình bày những nghiên cứu, kết quả các dự án trong 3 lĩnh vực trên.
Những tham luận đáng chú ý như “Những phát hiện về nhu cầu đào tạo cho các KTS và các cán bộ quy hoạch đô thị của Việt Nam để hỗ trợ các thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu” (TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam), “Những thách thức quan trọng liên quan đến việc chống lũ và thoát nước cho các thành phố loại vừa ven biển” (ông Hanns-Bernd Kuchta, Cố vấn Trưởng GIZ)…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh của khu vực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự phát triển của đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, môi trường, năng lượng…và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là những thách thức làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam”.
Còn theo đại diện GIZ cho biết, những năm qua Việt Nam đã trải qua quá trình đô thị hoá khá nhanh và đây là một thách thức lớn đối với việc phát triển hạ tầng đô thị của Việt Nam, như sự phát triển nhanh của dân số, việc quy hoạch đô thị… Thông qua Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố, từ năm 2005 đến nay, GIZ đã có những hỗ trợ rất tích cực cho việc quản lý quá trình đô thị hoá của Việt Nam như dự án xử lý nước thải, dự án phát phòng chống lũ lụt và phát triển đô thị cho nhiều tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như những nỗ lực quy hoạch ứng phó tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã cho thấy kết quả rất tích cực. Theo đó, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Môi trường và Xã hội Việt Nam (ISET-Việt Nam) đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cung cấp các khoản vay tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn để xây dựng và nâng cấp nhà ở chống bão cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Cơn bão Nari đã gây thiệt hại 96,6 tỷ đồng về nhà ở tại Đà Nẵng, tuy nhiên 244/ 245 hộ gia đình tham gia chương trình nhà chống bão đã không hề bị hư hại (1 căn nhà bị hư hỏng do chưa được xây dựng xong).
“Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam vào khoảng 36% trong năm 2011 và dự kiến sẽ đạt 45% vào năm 2020”, ông Erik Schweikhardt, Cố vấn Trưởng và Quản lý Dự án của GIZ, chia sẻ, “Tác động của các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu như cơn bão Nari xảy ra gần đây tại Đà Nẵng đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc lập quy hoạch toàn diện cho các khu vực đô thị dễ bị tổn thương”.
“Với khoảng 30% dân số sống tại các thành phố và với mức tăng dân số đô thị hàng năm khoảng 1,1 triệu người, Việt Nam có một trong số những tiềm năng lớn nhất cho đô thị hóa cũng như nhu cầu xây dựng năng lực đô thị tại Châu Á. Trong một số trường hợp quy hoạch đô thị chưa hoàn thiện, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, những tổn thương lớn hơn do hiện tượng thời tiết bất thường và làm gia tăng nguy cơ xung đột xã hội”, ông Erik Schweikhardt, Cố vấn Trưởng và Quản lý Dự án tại GIZ, chia sẻ thêm.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các tài liệu nghiên cứu với những khuyến nghị và đề xuất cụ thể cho việc giảm mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng đô thị khác nhau tại Việt Nam,đã được công bố. Các nghiên cứu này được thực hiện thông qua Mạng lưới các Thành phố Châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) do Quỹ Rockefeller tài trợ và các tác giả của nghiên cứu.
“Các nghiên cứu chỉ ra các khía cạnh chính trong tình trạng dễ bị tổn thương của dân cư đô thị và khuyến nghị hướng hành động cho các nhà hoạch định chính sách và tác nhân liên quan để nâng cao khả năng chống chịu của người dân trong bối cảnh nhiệt độ gia tăng và thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng đe dọa tới sức khỏe, sinh kế và nhà ở của họ”, bà Diane Archer, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED), phụ trách điều phối dự án nghiên cứu của chương trình ACCCRN cho biết.
Các lĩnh vực trọng tâm và các phát hiện của các báo cáo bao gồm: “Sốc nhiệt đối với người lao động ngoài trời”, đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng người lao động ngoài trời tại Đà Nẵng gặp nhiều nguy hiểm cho sức khỏe khi nhiệt độ tăng cao và không có nhiều lựa chọn để thích nghi. Trong số những người được hỏi, 47% đã có các triệu chứng liên quan đến hiện tượng sốc nhiệt trong vòng 3 tháng trước đó. Phụ nữ và người lao động nhập cư có nhiều nguy cơ hơn, và nghèo đói buộc nhiều người phải đánh đổi sức khỏe để làm việc bất chấp nhiệt độ cao.
Lĩnh vực thứ hai là “Chi phí và lợi ích của việc khôi phục rừng ngập mặn”. Nghiên cứu này đã đánh giá chi phí và lợi ích của việc khôi phục những khu rừng ngập mặn ở khu vực đầm Thị Nại tại thành phố Quy Nhơn. Rừng ngập mặn có thể bảo vệ người dân và tài sản khỏi nước dâng do bão và lũ lụt ven biển và còn nhiều lợi ích khác như nhiên liệu từ gỗ và du lịch sinh thái. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những lợi ích từ việc khôi phục rừng ngập mặn có giá trị khoảng gấp đôi chi phí phục hồi rừng hoặc lợi ích tích lũy được từ việc sử dụng diện tích này cho nuôi trồng thủy sản.
Và cuối cùng là “Nhà ở có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, theo đó đã chỉ ra lý do tại sao các cộng đồng dân cư có thu nhập thấp ở Huế và Đà Nẵng còn thiếu nhà ở có thể chống chịu với các thiên tai liên quan đến khí hậu. Nguyên nhân là do các công ty xây dựng có ít kinh nghiệm về xây dựng nhà ở cho các cộng đồng này, vì họ không đủ khả năng chi trả, và nhà ở chống bão cần phải được xây dựng với sự kết hợp của kỹ thuật bản địa và kiến thức chuyên môn.
P.V