Dự án này được Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) tài trợ và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp với Ban Quản lý dự án Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại thị xã Vĩnh Châu thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực hiện tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, dự án nhằm khôi phục chức năng của rừng ngập mặn thông qua trồng 105 héc ta rừng ngập mặn gồm các giống cây địa phương và xây dựng 1.000 mét hàng rào tre chắn sóng; tổ chức tập huấn và triển khai các giải pháp tiếp cận sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng ngập mặn.
Đồng thời, dự án nhằm xây dựng mạng lưới và liên minh để thúc đẩy phương pháp đồng quản lý sinh kế rừng ngập mặn với các biện pháp bảo vệ và các khuyến nghị khung về khung pháp lý và chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận hợp pháp với rừng phòng hộ và nâng cao bảo tồn rừng; xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng động người dân ven biển và liên kết sản xuất tạo nên chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân... Qua đó, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng dân cư vùng ven biển trong vùng dự án.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 1” được thực hiện trên địa bàn 3 xã là xã Lai Hòa, Vĩnh Hải và Lạc Hòa của thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), thời gian thực hiện từ nay cho đến tháng 11/2024; dự kiến nguồn vốn dành cho dự án là 500.000 EURO (khoảng 13,2 tỷ đồng).
Tại Lễ khởi động dự án, các đại biểu tham dự được giới thiệu nội dung và các quy định trong việc quản lý và vận hành dự án; các đối tác và bên tham gia cùng thảo luận về vai trò của các bên trong việc thực hiện dự án, qua đó giới thiệu các thông tin, thống nhất cách hiểu chung về mục tiêu, kết quả hoạt động của Dự án; cung cấp thông tin, quy định của nhà tài trợ cho nhóm quản lý dự án và các đối tác. Từ đó, giúp địa phương và các đối tác thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận hợp tác, hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần thích ứng, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng cư dân ven biển, nâng cao đời sống nhân dân.