Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền về quyền lao động và công đoàn cho các hội nghề nghiệp và hội khoa học kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam, đóng góp vào thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản”.
Theo Viện Công nhân-Công đoàn, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó bao gồm quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể. Cùng với đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã được thông qua cho thấy nhiều sự thay đổi về bảo đảm quyền lao động khu vực phi chính thức, quyền công đoàn và thương lượng tập thể.
Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thực tế vẫn còn có khoảng trống trong việc liên kết, phối hợp giữa tổ chức công đoàn và các hội khoa học kỹ thuật, hội nghề nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị nhằm gia tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức, thúc đẩy quyền và lợi ích của người lao động trong các hội khoa học kỹ thuật, hội nghề nghiệp được đảm bảo tốt hơn.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng khẳng định, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động là chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn; nhiều hội viên của các hội khoa học kỹ thuật và hội nghề nghiệp cũng là đoàn viên công đoàn. Do đó, tổ chức Công đoàn và các Hội nghề nghiệp cùng có chung nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động là thành viên của các hội. Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc nghiên cứu và đề xuất về mô hình tổ chức công đoàn trong cơ quan các Hội, xác định rõ nhu cầu, cách thức, phương thức liên kết, phối hợp giữa Công đoàn và các Hội là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của người lao động trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn, việc tổ chức triển khai trên thực tế nội dung này đã, đang và sẽ còn một số khó khăn. Vì thế, để thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn trong các hội khoa học kỹ thuật và hội nghề nghiệp, hướng tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến khuyến nghị, các Hội cần phát huy vai trò, nâng cao năng lực đại diện trong giai đoạn mới; Công đoàn cần đa dạng hình thức, mức độ liên kết hiệu quả với các Hội; Quốc hội, Chính phủ duy trì hành lang pháp lý thuận lợi thành lập và hoạt động của các Hội theo hiến pháp và pháp luật.
Phó Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam Filip Graovac nhìn nhận, phần lớn lao động có trình độ, tay nghề cao của Việt Nam là thành viên các hội nghề nghiệp và khoa học kỹ thuật, hiện đang đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển sâu rộng và hội nhập toàn cầu của đất nước. Tuy nhiên, những Hội này đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức và nguồn lực.
Để các hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật có thể hoạt động bền vững và hiệu quả, ông Filip Graovac cũng đề nghị cần đánh giá thực trạng, vai trò của các Hội hiện nay, để từ đó đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả liên kết hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật với tổ chức Công đoàn ở các cấp khác nhau. Theo ông, cần nâng cao nhận thức về các Hội và mục tiêu của dự án “Thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn trong các hội khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp, hướng tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam”, nhằm thực hiện tốt hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các hội viên đang làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đánh giá cao việc liên kết giữa công đoàn và các hội nghề nghiệp. Các ý kiến cho rằng, việc liên kết chặt chẽ sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các hội viên, nhất là trong những vụ tranh chấp có liên quan đến pháp luật do các hội nghề nghiệp có chuyên môn sâu.
Các đại biểu cũng kiến nghị, tổ chức Công đoàn cần có chiến lược phát triển đoàn viên, các hình thức tập hợp người lao động ở khu vực chính thức và cả phi chính thức để mở rộng độ bao phủ của Công đoàn. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm về vấn đề đoàn phí, việc tập hợp đoàn viên, phân cấp công đoàn và tổ chức đại diện cho người lao động khi Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực.
Nhiều ý kiến đề xuất, hoạt động Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn trong thời gian tới cần đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả; tăng cường các loại hình liên kết, hợp tác như: Công đoàn, nghiệp đoàn ghép; liên kết “mềm” giữa công đoàn với các hội; tổ chức các hình thức tập hợp, đại diện khác của người lao động có cùng mục đích nói lên tiếng nói của người lao động…
Theo Viện Công nhân-Công đoàn, hiện cả nước có gần 500 hội ở cấp Trung ương và hơn 52.000 hội cấp địa phương, với hàng triệu hội viên. Trong những năm qua, các hội đã có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; thực hiện được nhiều hoạt động kết nối, đại diện, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thành viên và tham gia phản biện xã hội...