Ba người con của gia đình anh Phạm Văn Bưởi, ở xã Mông Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, thông qua Báo cáo đánh giá kết quả nhiệm vụ
công tác năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Hội.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2017, Hội tiếp tục chỉ đạo kịp thời về tư tưởng, tổ chức và hoạt động của các cấp Hội theo hướng đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế.
Hội cũng sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam; củng cố tổ chức hội, tăng cường vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân, triển khai công việc chuẩn bị Đại hội IV...
Năm 2016, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã triển khai Chỉ thị 43-CT/TW, thực hiện thành công Thông báo số 217-TB/TW về kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và nâng cao chất lượng công tác Hội. Hội đã chủ động tích cực thực hiện công tác tổ chức, chính sách cho nạn nhân. Công tác tuyên truyền, thi đua, khen thưởng được tăng cường, mở rộng quy mô, thực hiện hiệu quả, nề nếp.
Riêng về xây dựng quỹ, vận động nguồn lực, chăm sóc nạn nhân, từ đầu năm đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động được gần 270 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đó, Hội đã xây dựng cơ sở bán trú, xây 529 nhà tình thương, cấp 786 suất học bổng, trợ giúp việc làm, tặng quà Tết cho hàng nghìn lượt nạn nhân...
Dịp này, Hội nghị tiến hành bầu bổ sung Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gồm 4 đồng chí. Hội cũng trao 5 Cờ thi đua và 29 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam năm 2016.