Yêu cầu từ thị trường lao động
Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) kỹ năng nghề được hiểu là khả năng của con người thực hiện công việc nghề nghiệp một cách có hiệu quả, trong một thời gian nhất định và các điều kiện nhất định, dựa vào sự tích hợp và thực hành nhuần nhuyễn các kiến thức kỹ năng, thái độ lao động.
Với cách tiếp cận này, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề để mỗi lao động phát huy cao nhất khả năng của mình là điều rất cần thiết đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực có các kỹ năng chuyên ngành cộng với các kỹ năng "mềm" để thích ứng với thị trường lao động, tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, nhiều nhận định xác đáng về nguồn nhân lực với những kỹ năng nghề đã được nêu lên như: Hiện nay quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các địa phương, các ngành là cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp của đất nước sẽ tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) và đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.
Dưới góc độ chuyên gia, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Hiện nay, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4. Thực tế này đặt ra yêu cầu cho công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh việc trang bị cho người học các kiến thức lý thuyết mang tính nền tảng cần đặc biệt chú trọng trang bị kỹ năng liên quan đến từng nghề nghiệp cụ thể.
Trong khi đó, xuất phát từ thực tế sử dụng lao động, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rẳng, đặc thù là một trong những ngành thu hút nhiều lao động, thời gian tới, với doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam, chi phí lao động thấp và nguồn tài nguyên sẽ không còn là lợi thế. Do đó để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phát triển theo hướng mang tính ứng dụng cao, chú trọng trang bị kỹ năng chuyên môn và cả các "kỹ năng mềm" như tính trung thực, trách nhiệm, giao tiếp ứng xử... cho nguồn nhân lực.
Đổi mới đào tạo theo hướng chú trọng trang bị kỹ năng
Nhiều chuyên gia đã nhận định, giáo dục nghề nghiệp là bậc học có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trực tiếp. Do đó, để đáp ứng thị trường lao động, việc đổi mới đào tạo phải phát triển theo hướng chú trọng trang bị, phát triển kỹ năng liên quan đến nghề chuyên môn cho người học. Việc phát triển các kỹ năng cho nguồn nhân lực cần theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và hội nhập quốc tế theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về dịch chuyển lao động cả chiều dọc và chiều ngang ở trong nước và phạm vi quốc tế.
Từ quan điểm muốn đào tạo được nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng được cả thị trường lao động trong nước và quốc tế, trước hết phải có đội ngũ giáo viên cũng chính là những người giỏi về kỹ năng nghề nghiệp, tức là giảng viên - thợ nghề xuất sắc, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên nhà trường. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt-Đức về đổi mới chương trình đào tạo nghề Việt Nam do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện, trường cử nhiều giáo viên tham gia khóa học nâng cao và đã được cấp chứng chỉ nâng cao kỹ năng nghề, tương đương kỹ thuật viên lành nghề của Đức, đối với một nghề như cắt gọt kim loại và cơ điện tử.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II, hiện nay nhiều giảng viên của trường đã được nhận chứng chỉ nâng cao kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Đức hoặc được đào tạo theo hướng tiếp cận tình độ nghề theo tiêu chuẩn Pháp. Trường còn được chứng nhận tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp nghề tương đương tiêu chuẩn Đức, đủ điều kiện tự tổ chức kỳ thi và cấp bằng tốt nghiệp trường nghề theo tiêu chuẩn của nước bạn. Vì vậy chất lượng, uy tín của những người thợ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II với các kỹ năng liên quan đến từng nghề chuyên môn đã được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao, thể hiện qua việc tỷ lệ sinh viên của trường hằng năm ra trường có việc làm gần như đạt 100%, nhất là đối với các sinh viên từng học các nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn với trường Cao đẳng Lý Tự Trọng - TP Hồ Chí Minh, việc nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng trang bị kỹ năng liên quan nghề chuyên môn cho người học được thực hiện với giải pháp giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, phân bổ thời gian thực hành tại doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội nhiều hơn trong thực hành trên thiết bị tại doanh nghiệp, rèn luyện kỹ năng thực hành từ các chuyên gia. Các doanh nghiệp sẽ tham gia tổng kết đánh giá sau mỗi đợt thực tế của sinh viên. Nhà trường và doanh nghiệp cùng thực hiện cam kết chất lượng của người học sau quá trình đào tạo tại nhà trường cũng như tại doanh nghiệp để đảm bảo khối lượng kiến thức và kỹ năng thực hành bổ trợ cho nhau.
Theo Tiến sỹ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng: Nhà trường hiện có 10 khoa chuyên môn, đào tạo 50 nghề, trong đó có 7 nghề trọng điểm với các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Để tăng cường trang bị kỹ năng cho người học, trường chủ động làm việc với các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành nhằm kết nối, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập nâng cao tay nghề, thực hành kỹ năng. Hiện trường đã thiết lập mối quan hệ với khoảng 1.000 doanh nghiệp trên cả nước. Nhà trường và các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn "đầu ra" bám sát với nhu cầu sử dụng, đồng thời thiết lập "ngân hàng" việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, tạo thuận lợi cho sinh viên sớm tiếp cận và bước vào thị trường lao động một cách vững vàng.