Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3, việc tổ chức hội thảo nhằm nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm; đồng thời chia sẻ, trao đổi, tăng cường sự hiểu biết và phối hợp trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai giữa Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Đài Truyền hình Việt Nam và các đối tác khác. Mục tiêu là phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó thiên tai tốt hơn, bảo vệ sinh mạng, sinh kế cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo ông Dương Đức Mỹ, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của 21/22 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Đặc biệt là bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất. Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP.
Đề cập tới tình hình thiên tai ở Đồng bằng Bắc Bộ, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Đinh Hữu Dương cho rằng, hàng năm, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây gió mạnh, kèm mưa lớn trên khu vực, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Ngoài bão, áp thấp nhiệt đới thì các hiện tượng như mưa lớn, dông, lốc sét, nắng nóng, rét đậm, rét hại cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và kinh tế. Năm 2021, khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão, 11 đợt mưa vừa, mưa to, 23 đợt không khí lạnh, 9 đợt nắng nóng; các đợt dông, lốc sét, lũ, ngập lụt và hải văn nguy hiểm.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, để giúp giảm thiểu tối đa tác động, thiệt hại từ thiên tai ngày càng khốc liệt, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn, cơ quan quản lý rủi ro thiên tai và chính quyền địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ này chính là nhân tố quan trọng, quyết định hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành Khí tượng Thủy văn đã tăng cường công tác cảnh báo, dự báo sớm, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ liên quan tới dự báo, cảnh báo dựa trên tác động với mong muốn đưa các thông tin chi tiết hơn, dễ hiểu hơn về tác động của thiên tai theo thời gian thực tới người sử dụng. Từ đó góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao đổi về công tác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, ông Dương Đức Mỹ, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao nhận thức về thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; đầu tư cho khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai...
Tại Việt Nam, thiên tai xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số cơn bão rất mạnh tăng dù tổng số cơn bão không đổi. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước. Số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ...