Bộ Y tế đã thừa nhận, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế tại các bệnh viện như: Chưa sử dụng hợp lý trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết; nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục xã hội hóa theo các văn bản hướng dẫn; còn nhiều đơn vị, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ dẫn đến bất công tại nhiều cơ sở y tế…
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại các bệnh viện, xã hội hóa chủ yếu tập trung vào các dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận, được BHYT chi trả cao như: máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chụp X- quang… có đến 80% bệnh viện tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Trong số gần 2.000 thiết bị xã hội hóa, có tới % là do các bệnh viện tự liên kết lắp đặt không có đề án cụ thể, rồi thông báo bảo hiểm thanh toán. Với các máy cho thuê mượn cũng có tới hơn 60% không có đề án. Chính vì thế rất khó kiểm soát chất lượng các thiết bị này.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Tại các bệnh viện, xã hội hóa cần có đề án cụ thể, rõ ràng các danh mục thiết bị được đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, tránh tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết. Bộ Y tế cũng cần kiểm soát chất lượng và giá cả của các trang thiết bị định kỳ để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và tránh những sai phạm. |
Tại một số bệnh viện, còn có tình trạng sử dụng quá mức các thiết bị xã hội hóa nhằm nhanh thu hồi vốn, kiếm lời, trục lợi từ các thiết bị này để “ăn chia”. Tại nhiều nơi người dân đi khám đơn giản vẫn được chỉ định làm nhiều xét nghiệm, chụp X- quang… Bộ Y tế đã nhận được phản ánh ở Đồng Nai, nhiều cơ sở y tế sử dụng kỹ thuật MRI chụp khá phổ biến, thậm chí bệnh nhân đau bụng, đau họng cũng được chỉ định chụp MRI. Một số bệnh viện như Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh) chi phí xét nghiệm chiếm tới 40% tổng chi phí khám chữa bệnh; nhiều nơi chi phí xét nghiệm trước đó chỉ chiếm 20 - 25% tổng chi phí khám chữa bệnh, nay tăng lên 30 - 40%, trong khi bình quân cả nước chỉ có hơn 20%. Chưa kể, nhiều bệnh viện tự lắp đặt các thiết bị Trung Quốc, máy cũ… như Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã bị phát hiện, xử lý.
Theo các chuyên gia, có những hạn chế như vậy là do tình trạng đầu tư trang, thiết bị tại các bệnh viện còn thiếu minh bạch, không rõ ràng trong việc phân biệt các thiết bị công - tư, lúng túng trong tính giá dịch vụ, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ về giá cả, chất lượng dịch vụ, chưa có quy định cụ thể về mức nhà nước chi trả cho dịch vụ cũng như chia lợi nhuận giữa các bên… khiến giá dịch vụ nhiều nơi tăng cao, người bệnh phải chịu thiệt thòi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Xã hội hóa trang thiết bị y tế tại các bệnh viện hiện nay thường được triển khai dưới hai hình thức chủ yếu là liên doanh liên kết trang thiết bị máy móc hoặc đặt máy. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương này như Thông tư 15 về Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập nhưng các quy định chưa chặt chẽ, có nhiều kẽ hở nên vẫn có nhiều tiêu cực diễn ra như thời gian qua.
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, với hình thức liên doanh liên kết để lắp đặt máy móc tại bệnh viện, thì doanh nghiệp được hời, nên dẫn đến nhiều trường hợp không minh bạch, lạm dụng trong bệnh viện. Để hạn chế tình trạng này, các bệnh viện nên chọn hình thức vay vốn ngân hàng để mua trang thiết bị là tốt nhất. Tại khu vực phía Nam, nhiều bệnh viện đã thực hiện theo hình thức vay vốn và nhiều tỉnh không còn chấp nhận hình thức liên danh, liên kết nữa, hạn chế được nhiều tiêu cực.