Trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua xã Trí Bình, huyện Châu Thành; xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành (khu vực có phần lớn dân cư qua lại trồng, chăm sóc lúa ven sông), ghi nhận thời điểm sáng và chiều 22/4, lục bình xuất hiện dày đặc, “phủ xanh” đoạn kéo dài khoảng 2 km. Toàn bộ ghe, xuồng của người dân không thể di chuyển qua lại sông thời điểm lục bình phủ kín. Nhiều xuồng máy của người dân phải quay đầu khi gặp đoạn bị lục bình chiếm đóng. Theo đó, từng mảng lục bình lớn di chuyển theo con nước gây ra hiện tượng nghẽn dòng sông cục bộ khoảng 3-6 tiếng/lần, mỗi ngày xuất hiện 1-2 lần.
Ông Ngô Tùng Minh, Trưởng ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành cho biết, hiện nay, trên địa bàn ấp có trên 80 hộ dân làm nông nghiệp, cuộc sống phần lớn của người dân gắn liền với dòng sông Vàm Cỏ Đông. Trong vụ mùa này, người dân đang cần rải diêm, bón phân, phun thuốc... Dù chỉ cách bờ đối diện hơn trăm mét nhưng xuồng ghe thường xuyên không thể di chuyển được vì lục bình. Điều này khiến bà con rất bức xúc. Ông Tùng Minh đã kiến nghị đến chính quyền địa phương xã để kịp thời phối hợp với các đơn vị chức năng sớm xử lý lục bình, đưa dòng sông Vàm Cỏ Đông thông thoáng, thuận lợi trong di chuyển, qua sông làm đồng của người dân.
Ông Phan Văn Hùng (60 tuổi, ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông) cho biết, khoảng 1 tuần nay, lục bình nghẽn cứng mặt sông, ghe xuồng không thể di chuyển được. Trong khi ruộng nương của gia đình ông phía bên kia sông đang tới vụ chăm sóc, bón phân nhưng giờ chỉ biết “bó tay” đứng nhìn vì lục bình. Những hôm lục bình dày đặc, ông nóng ruột cho ghe đi qua sông, song đến giữa dòng cũng bất lực, rồi ghe cứ theo con nước và lục bình trôi tự do giữa dòng.
Tình cảnh tương tự, ông Lưu Văn Ớ (48 tuổi, ngụ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) cho biết, mùa này nông dân thường phải ra đồng lúc 5-6 giờ để kịp xong việc đồng áng lúc 9-10 giờ cho đỡ sốc nhiệt do nắng nóng. Thế nhưng cả tuần nay, lục bình liên tục phủ kín sông nên có hôm ông ra đến ruộng lúc 9-10 giờ, khi về có hôm phải tốn thời gian gần 5 tiếng, đến 20-21 giờ mới về được tới nhà vì lục bình nghẽn sông. Ông Ớ bức xúc cho biết thêm, trước đây, máy ghe ông làm chỉ 7 ngựa (HP) mà nay làm đến 18 ngựa vẫn không thể vượt qua đám lục bình.
Còn với kinh nghiệm hàng chục năm sống trên sông, ông Nguyễn Ô Môn (67 tuổi, ngụ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) cho biết, những năm qua, lục bình vẫn liên tục nghẽn sông dù có đơn vị trục vớt nhưng vẫn không chấm dứt được. Ông Môn nhận định, nguyên nhân một phần từ chỗ đơn vị xử lý thiếu quyết liệt trong trục vớt. Mặt khác, hiện có nhiều người dân cắm cọc chà nuôi cá đã giữ lại một lượng lớn lục bình. Mùa khô, những hộ này thu hoạch cá đã thả toàn bộ lục bình ra sông. Ngoài ra, thời gian qua, việc một số đơn vị ở thượng nguồn xả thải nước bẩn ra sông Vàm Cỏ Đông cũng ít nhiều tạo điều kiện cho lục bình sinh sôi nhanh hơn. Do đó, ông Môn đề nghị ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn lục bình này.
Trước tình trạng này, hiện Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công – đơn vị được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh giao xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đang triển khai máy móc, thiết bị tăng cường hoạt động trục vớt, giải tỏa lục bình.
Theo ông Huỳnh Long Định, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công, trước tình trạng lục bình xuất hiện làm nghẽn cục bộ trên một số đoạn sông, trước mắt, đơn vị đã tăng cường 8 phương tiện trục vớt, xử lý lục bình. Mỗi ngày đơn vị triển khai trục vớt liên tục 16 tiếng (chia thành 2 ca) kể cả thứ bảy, chủ nhật nhằm hạn chế tình trạng lục bình sinh sôi nảy nở trên sông, gây ảnh hưởng cuộc sống của bà con.
Ông Định cũng cho biết, hiện lục bình có phủ kín sông nhưng không còn dày đặc như những năm trước do được xử lý thường xuyên. Một trong những nguyên nhân khiến lục bình thường xuyên trở lại dù triển khai trục vớt liên tục là do phần lớn người dân cắm cọc chà nuôi cá dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Lục bình được thả ra sau khi thu hoạch cá làm gia tăng đột biến lượng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông mùa khô.
Cũng theo ông Định, trong quá trình xử lý lục bình, máy trục vớt lục bình đã liên tục gặp trục trặc, hư hỏng do một lượng lớn rác thải sinh hoạt (bao tải, bọc nilong…) và cả cây gỗ bị người dân thả xuống sông cuốn vào máy, làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Tuy nhiên, đơn vị đã khắc phục những khó khăn này để tích cực xử lý, trục vớt lục bình trong thời gian sớm nhất.
Ông Định cũng kiến nghị ngành Giao thông vận tải tỉnh cùng chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ đơn vị trong việc vận động người dân tháo dỡ, không cắm chà cá trên sông. Thời gian qua, công tác này chưa được triển khai hiệu quả do liên quan đến mưu sinh của nhiều hộ dân ven sông.
Về giải pháp lâu dài trong thời gian tới, theo ông Định, đơn vị sẽ tăng cường xử lý lục bình trước khi vào mùa cao điểm của lục bình. Đồng thời, đơn vị cũng đầu tư thêm một số thiết bị băng tải để vận chuyển lục bình nhanh hơn, hiệu quả hơn.