Nâng dần tỷ lệ đóng qua các năm
Theo thống kê, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Năm học 2009-2010 có khoảng 10,7 triệu (gần 70%) HSSV tham gia, thì đến năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%; năm 2017 có hơn 16 triệu em tham gia, chiếm hơn 93% và đến năm học 2018-2019 đã có hơn 17 triệu (chiếm 95,3%) HSSV tham gia BHYT.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV là cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh… đã được nâng cao.
Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/7/2018 đến ngày 31/7/2019 trên hệ thống thông tin giám định BHYT của đối tượng HSSV có 8.288.343 lượt khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán (BHTT) là 2.399 tỷ đồng.
Các trường hợp HSSV được Quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú lớn từ 100 triệu đồng trở lên, tính từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/7/2019 là 512 lượt thẻ học sinh. Trong đó, có 499 lượt khám chữa bệnh (KCB), chi phí từ 100-500 triệu đồng/đợt điều trị; có 13 lượt KCB, chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân chi phí cho BHYT trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.
Đồng bộ giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Luật BHYT quy định BHYT HSSV là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.
Đáng chú ý, tỷ lệ cao không tham gia BHYT thường rơi vào sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất) do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT.
Thực tế cho thấy, việc phát triển đối tượng sinh viên tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các địa phương do tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Chỉ có học sinh tại các trường phổ thông thì mới có tỷ lệ cao.
Cùng với đó, HSSV là người dân tộc thiểu số mới thoát khỏi vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo nên không được ngân sách đóng toàn bộ vì vậy số tiền tự đóng BHYT cao hơn. Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên không hỗ trợ thêm cho HSSV ngoài mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, hoạt động y tế tại các trường học đạt hiệu quả chưa cao, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có đủ điều kiện theo quy định để được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu; các trường còn lúng túng trong quản lý và sử dụng số kinh phí được trích chuyển tại nhà trường. Sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu không hiệu quả: phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích, ốm đau tại nhà trường đều thông báo cho gia đình hoặc người thân đến để đưa đi bệnh viện do nhà trường không xử lý được.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, năm học mới 2019- 2020, để phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tích cực triển khai công tác BHYT học sinh; Đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các sở giáo dục và đào tạo; phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia BHYT trong các cơ sở giáo dục năm học 2019 - 2020;
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, tăng cường chỉ đạo hơn nữa việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn. Không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT; đồng thời huy động nguồn kinh phí thuộc Ngân sách địa phương, nguồn tài trợ để hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.